11:09, 21/09/2020

Gỡ vướng cho việc tiêu hủy thuốc lá lậu

Gần 6 năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và tịch thu hơn 50.000 bao thuốc lá nhập lậu, nhưng chưa được xử lý do gặp một số khó khăn, vướng mắc. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có phương án xử lý dứt điểm số lượng thuốc lá này.

 

Gần 6 năm qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và tịch thu hơn 50.000 bao thuốc lá nhập lậu, nhưng chưa được xử lý do gặp một số khó khăn, vướng mắc. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có phương án xử lý dứt điểm số lượng thuốc lá này.


Tồn thuốc lá lậu nhiều năm liền


Ông Nguyễn Hoàng Quy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, ngày 26-4-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2018 quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài. Qua thực tiễn, việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu theo Quyết định số 20/2018 trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên đơn vị vẫn chưa thực hiện tiêu hủy đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu. Hiện nay, cục còn tồn đọng hơn 37.400 bao thuốc lá các loại chưa xử lý của gần 1.200 quyết định tịch thu từ năm 2014 đến nay. Được biết, ngoài Cục Quản lý thị trường tỉnh, một số lực lượng chức năng khác cũng còn tồn hàng chục ngàn bao thuốc lá lậu chưa được xử lý như Công an tỉnh với hơn 15.000 bao.

 

Một phần số lượng thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đang tồn kho tại Đội Quản lý thị trường số 1.

Một phần số lượng thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đang tồn kho tại Đội Quản lý thị trường số 1.


Ngày 10-7, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5654 về việc xử lý thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, theo đó “Việc xử lý thuốc lá nhập lậu bị tịch thu thực hiện theo Quyết định số 2371 ngày 26-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ”. Bên cạnh đó, việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu tịch thu cũng được quy định tại Nghị định số 29/2018 ngày 5-3-2018 của Chính phủ và Thông tư số 57 ngày 5-7-2018 của Bộ Tài chính… Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay của các cơ quan là phải xây dựng phương án tiêu hủy thuốc lá lậu theo từng quyết định tịch thu hoặc có thể lập kế hoạch tiêu hủy chung trình UBND tỉnh phê duyệt. Do số lượng quyết định tịch thu nhiều và kéo dài gần 6 năm nay nên việc xây dựng phương án tiêu hủy theo từng quyết định tịch thu là việc khó khăn. Vì vậy, nếu xây dựng một kế hoạch tiêu hủy chung trình UBND tỉnh phê duyệt sẽ thuận lợi hơn cho các đơn vị.


Đã có hướng xử lý


Ông Vĩnh Thông - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, trên cơ sở Công văn số 5654 của Văn phòng Chính phủ và Công văn số 9600 ngày 11-8-2020 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn tiêu hủy thuốc lá nhập lậu, Sở Tài chính đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương theo phương án mỗi cơ quan, đơn vị xây dựng một kế hoạch tiêu hủy chung trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu đã tịch thu tồn từ năm 2014 đến nay. Ngày 8-9, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã ký công văn thống nhất với phương án đề xuất  của Sở Tài chính  và giao sở này chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu theo đúng quy định.


Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu. Cụ thể, đối với tất cả thuốc lá nhập lậu đã tịch thu tồn từ năm 2014 đến nay, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng một kế hoạch tiêu hủy trình UBND tỉnh phê duyệt. Kinh phí hỗ trợ thu giữ và tiêu hủy thuốc lá nhập lậu thực hiện theo Thông tư số 19/2015 ngày 3-2-2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về cơ chế huy động, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả.


Mai Hoàng