Huyện Vạn Ninh đã lên phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro. Những kịch bản được xây dựng làm cơ sở để địa phương chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Huyện Vạn Ninh đã lên phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro. Những kịch bản được xây dựng làm cơ sở để địa phương chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Những năm qua, huyện Vạn Ninh hứng chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Mức độ thiệt hại do thiên tai, bão lũ ngày một lớn. Thống kê từ địa phương cho thấy, nếu như năm 2012, thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra khoảng 1 tỷ đồng, thì đến năm 2019 là 55 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2017, địa phương bị thiệt hại khoảng 4.900 tỷ đồng do cơn bão số 12 gây ra. Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, địa phương bị thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu, bão lụt với hơn 5.000 tỷ đồng, một con số gấp rất nhiều lần so với thu ngân sách hàng năm của huyện.
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trước tình hình biến đổi khí hậu, những bất thường và cực đoan của thời tiết, huyện đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, địa phương đưa ra 3 phương án, gồm: Ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới; phòng, chống ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất; phòng, chống động đất, sóng thần. Các phương án đều đưa ra các kịch bản, chi tiết cụ thể, phân công trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đơn vị.
Cụ thể, đối với phương án phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới, khi có tình huống xảy ra, đầu tiên là phải sơn tán dân để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân các xã, thị trấn trên địa bàn. Theo đó, khi có bão, dự kiến gần 8.800 người dân cần di dời, trong đó có hơn 1.420 người sơ tán tại chỗ. Các địa điểm để người dân di dời đến là trường học, nhà văn hóa cộng đồng, trụ sở tổ dân phố, thôn. Lực lượng tổ chức di dời là công an, dân quân, thanh niên xung kích tại chỗ. Trong trường hợp bị ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét bởi mưa lớn gây ra, hoặc bị động đất, sóng thần, toàn huyện có gần 4.600 người cần phải di dời, trong đó có gần 1.400 người có thể sơ tán tại chỗ. Đồng thời, địa phương cũng xây dựng phương án đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai (6 hồ chứa nước thủy lợi và 6 đập dâng). Các hồ chứa này có dung tích từ dưới 1 triệu m3 đến hơn 19 triệu m3. Ngoài ra, huyện cũng xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, thông tin liên lạc, an toàn cấp điện; huy động nhân lực ứng phó; dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm; khắc phục hậu quả khi có tình huống bão, lũ xảy ra.
THÀNH NAM