Sở Giao thông vận tải đã lên phương án xây dựng cầu Thác Ngựa (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) nhằm tăng khả năng thanh thải, bảo đảm an toàn giao thông, lưu thông thông suốt trong mùa mưa lũ.
Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã lên phương án xây dựng cầu Thác Ngựa (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) nhằm tăng khả năng thanh thải, bảo đảm an toàn giao thông, lưu thông thông suốt trong mùa mưa lũ.
Cầu tràn xuống cấp
Tỉnh lộ 8B là cửa ngõ phía bắc của huyện Khánh Vĩnh, giúp kết nối, giao thương với thị xã Ninh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên. Lượng xe lưu thông trên tuyến đường này ngày càng lớn nhưng các công trình trên tuyến đường đang xuống cấp trầm trọng, điển hình là cầu tràn Thác Ngựa (tải trọng chỉ còn 5 tấn). Trong khi cầu này nằm ở khu vực thị trấn Khánh Vĩnh, dân cư đông đúc nhưng khổ cầu rất hẹp, chỉ rộng 4,5m. Cầu được xây dựng vào năm 1987, gồm 2 nhịp giản đơn với kết cấu nhịp dầm thép liên hợp bản bê tông cốt thép thường, chiều dài toàn cầu 30,5m.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, Sở GTVT, khu vực cầu tràn Thác Ngựa có lưu lượng nước chảy qua rất lớn, nhất là vào mùa mưa lũ. Trong khi đó khổ cầu hẹp, không thể đáp ứng được lượng nước chảy qua. Nhiều năm trở lại đây, cầu liên tục bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, nhất là các năm 2017 và 2019, cầu bị hư hỏng rất nặng ở các mố và đường dẫn. Việc sửa chữa tốn kém, hiệu quả không cao, vì vậy cần sớm phải đầu tư cầu cao thay cho tràn.
3 phương án đầu tư
Theo Sở GTVT, việc đầu tư xây dựng mới cầu Thác Ngựa là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đảm bảo giao thông thông suốt không bị gián đoạn vào mùa mưa lũ, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, tạo điều kiện để kinh tế khu vực phát triển.
Đơn vị tư vấn đã đưa ra 3 phương án để lựa chọn đầu tư. Cụ thể, phương án 1: Xây mới cầu phía hạ lưu cầu tràn hiện hữu cách khoảng 70m. Điểm đầu tại nút giao đường 2-8 và đường Quang Trung (thị trấn Khánh Vĩnh), điểm cuối tại Km0+600 Tỉnh lộ 8B, chiều dài toàn tuyến khoảng 630m. Tổng mức đầu tư dự án: 69,954 tỷ đồng (trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng là 3,5 tỷ đồng). Phương án 2: Xây mới cầu tại vị trí cầu tràn hiện hữu. Hướng tuyến đi trùng với tim đường Tỉnh lộ 8B hiện hữu. Điểm đầu tại nút giao đường 2-8 và đường Quang Trung, điểm cuối tại Km 0+600 Tỉnh lộ 8B, chiều dài toàn tuyến khoảng 700m. Tổng mức đầu tư hơn 72,4 tỷ đồng (trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng là 1,463 tỷ đồng, kinh phí xây dựng cầu tạm, đường tạm 3 tỷ đồng). Phương án 3: Xây mới cầu phía thượng lưu cầu tràn hiện hữu. Hướng tuyến đi phía thượng lưu cầu tràn hiện hữu, cách cầu tràn hiện hữu khoảng 20m. Điểm đầu tại nút giao đường 2-8 và đường Quang Trung, điểm cuối tại Km0+600 Tỉnh lộ 8B, chiều dài toàn tuyến khoảng 690m. Tổng mức đầu tư là 70,95 tỷ đồng (trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng 3,7 tỷ đồng). Cầu sẽ được xây dựng với bề rộng mặt cầu là 14m, trong đó 10m dành cho xe chạy, còn lại là lề bộ hành, lan can hai bên.
Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế đánh giá, kinh phí xây dựng và kinh phí giải phóng mặt bằng của phương án 1 và phương án 3 tương đương nhau. Kinh phí xây dựng phương án 2 cao nhất trong ba phương án do có thêm kinh phí xây dựng đường tạm, cầu tạm để đảm bảo giao thông trong quá trình thi công cầu mới. Tuy nhiên về lâu dài, nếu theo quy hoạch đường rộng 20m, thì phương án 2 và phương án 3 sau này sẽ khó mở rộng đường hơn do vướng giải tỏa nhà 2 bên đường bên phía Khánh Nam. Do vậy, đơn vị tư vấn kiến nghị chọn phương án 1 để xây dựng vì có hướng tuyến thẳng đẹp, chiều dài tuyến ngắn, rút ngắn thời gian lưu thông.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, sau khi nghe tư vấn trình bày các phương án xây dựng, sở đã lựa chọn phương án 1 để triển khai đầu tư dự án. Hiện nay, sở đã có tờ trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định báo cáo chủ trương đầu tư; nếu được thông qua, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.
MẠNH HÙNG