10:05, 31/05/2020

Dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt cho xã Đại Lãnh: Bao giờ được triển khai?

Từ khi hệ thống nước sinh hoạt tự chảy bị hỏng, hàng nghìn hộ dân ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đã có doanh nghiệp khảo sát để đầu tư nhà máy nước, nhưng vì vướng thủ tục nên đến nay vẫn chưa triển khai.

 

Từ khi hệ thống nước sinh hoạt tự chảy bị hỏng, hàng nghìn hộ dân ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đã có doanh nghiệp khảo sát để đầu tư nhà máy nước, nhưng vì vướng thủ tục nên đến nay vẫn chưa triển khai.


Ông Đặng Văn Bình (thôn Tây Bắc 2, xã Đại Lãnh) cho biết, nhiều năm qua, gia đình ông cùng hàng trăm hộ ở đây phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hàng ngày, gia đình ông phải mua nước bình để sử dụng cho ăn uống, còn nước tắm giặt thì mua lại của một hộ lắp đường ống đưa nước từ trên núi về. Tuy nhiên, nguồn nước này rất bẩn, mùa mưa thì đục ngầu, mùa nắng chảy nhỏ giọt. “Mặc dù đã sử dụng tiết kiệm nhưng mỗi tháng gia đình tôi phải tốn hơn 1,5 triệu đồng mua nước bình. Chúng tôi mong các ngành chức năng, chính quyền địa phương sớm đầu tư nhà máy nước để cấp nước cho người dân nơi đây”, ông Bình nói.

 

Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt tự chảy của người dân xã Đại Lãnh đã thiếu lại còn bị ô nhiễm.

Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt tự chảy của người dân xã Đại Lãnh đã thiếu lại còn bị ô nhiễm.


Những hộ sinh sống gần biển thì vấn đề thiếu nước sinh hoạt càng trầm trọng hơn. Ông Phan Trường (thôn Đông Bắc, xã Đại Lãnh) cho biết, những năm trước đây, người dân trong thôn sử dụng nguồn nước từ hệ thống nước tự chảy của xã đầu tư. Thế nhưng, từ năm 2018 đến nay, hệ thống này đã ngừng cấp nước do bị hỏng. Người dân phải mua nước bình về ăn uống, còn nước tắm giặt thì sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên, vào mùa mưa, giếng mới có nước để sử dụng, còn mùa nắng thì nước giếng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. “Lần nào tiếp xúc cử tri, người dân cũng kiến nghị vấn đề đầu tư nhà máy nước sạch và được các đại biểu, các ngành chức năng hứa sẽ xem xét, giải quyết. Vậy mà đã nhiều năm trôi qua, cũng chưa thấy thay đổi  gì”, ông Trường nói.


Theo lãnh đạo UBND xã Đại Lãnh, toàn xã hiện có hơn 2.000 hộ. Trước đây, xã đầu tư đường ống đưa nước từ trên núi đèo Cả về cung cấp cho nhân dân. Thế nhưng, từ năm 2018, hệ thống nước bị hỏng nên phần lớn người dân phải mua nước bình có giá từ 15.000 đến 40.000 đồng/bình 30 lít để sinh hoạt, hoặc tự đào giếng, khoan giếng. Tuy nhiên, nước giếng bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. “Với nhu cầu bức thiết về nước sinh hoạt của người dân, địa phương đã kêu gọi và tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp khảo sát đầu tư hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đất đai do chưa phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong, nên đến nay dự án hệ thống cấp nước sinh hoạt vẫn chưa được triển khai xây dựng”, ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết.


Để tháo gỡ vướng mắc vấn đề này cho xã Đại Lãnh, lãnh đạo huyện Vạn Ninh đã liên tục kiến nghị ngành chức năng, UBND tỉnh có hướng xử lý, hướng dẫn. Do thẩm quyền ban hành quyết định chủ trương đầu tư là UBND tỉnh nên UBND huyện Vạn Ninh và Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét thống nhất chủ trương, điều chỉnh vị trí dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sản xuất sang đất thương mại dịch vụ để triển khai dự án trong thời gian tới. Theo đó, dự án hệ thống cấp nước xã Đại Lãnh có diện tích khoảng 1ha; giai đoạn 1, dự án sẽ sản xuất hơn 2.000m3/ngày đêm, giai đoạn 2 3.000m3/ngày đêm. Nguồn nước cấp cho hệ thống sẽ được lấy từ suối Dừa và suối Ba Ra. Đồng thời, chủ đầu tư sẽ xây đập, tạo hồ chứa để hệ thống liên tục cấp nước sinh hoạt quanh năm cho người dân và các doanh nghiệp, khu du lịch. “Dự án cấp nước tại xã Đại Lãnh không những cấp thiết đối với người dân mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, khai thác tiềm năng phát triển du lịch của xã. Vì vậy, địa phương rất mong UBND tỉnh xem xét, tạo điều kiện triển khai dự án”, ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết.


VĂN GIANG