11:03, 26/03/2020

Tập trung ứng phó nguy cơ cháy rừng

Để chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng trong mùa khô năm nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đã xác định được diện tích rừng trọng điểm dễ cháy và các nguyên nhân dẫn đến cháy rừng. 

Để chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng trong mùa khô năm nay, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đã xác định được diện tích rừng trọng điểm dễ cháy và các nguyên nhân dẫn đến cháy rừng. Đây là cơ sở để đơn vị triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng phù hợp và hiệu quả hơn.


Nhiều diện tích dễ cháy


Cuối năm 2019, BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa được thành lập, trên cơ sở tổ chức lại BQL rừng phòng hộ Cam Lâm và BQL rừng phòng hộ Khánh Sơn. Đơn vị được giao quản lý rừng, đất rừng trên lâm phận rộng khoảng 30.212,3ha ở khu vực phía nam tỉnh, thuộc địa phận các địa phương: Cam Lâm, Cam Ranh và Khánh Sơn. Đây là những địa phương được xác định có nguy cơ cháy rừng cao trong mùa khô năm nay. Bằng chứng là chỉ mới bước vào đầu mùa khô, trong lâm phận của đơn vị đã xảy ra 5 vụ cháy, tuy quy mô không lớn, diện tích bị thiệt hại chủ yếu là cỏ tranh, lau lách nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong lâm phận của đơn vị.

 

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý  rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa triệt phá lò than.

Lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa triệt phá lò than.

 
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cho biết: “Trước những cảnh báo về nguy cơ cháy rừng trong năm nay, ngay sau khi kiện toàn bộ máy, chúng tôi đã tiến hành rà soát, xác định lại toàn bộ khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, phân loại từng đối tượng rừng, nguy cơ dẫn đến cháy rừng để có biện pháp ứng phó, tổ chức canh gác phù hợp. Qua rà soát, trong lâm phận của đơn vị có 3.540ha rừng, đất rừng trọng điểm dễ cháy, trong đó huyện Cam Lâm hơn 1.650ha, TP. Cam Ranh hơn 200ha và huyện Khánh Sơn hơn 1.680ha. Điều đáng lo là những diện tích rừng này đều nằm ở khu vực có địa hình hiểm trở, dốc cao, khi xảy ra cháy sẽ rất khó xử lý, kiểm soát”.


Bên cạnh đó, đơn vị còn rà soát, xác định cụ thể nguyên nhân dẫn đến cháy rừng trong lâm phận của mình để chủ động ứng phó. Theo đó, có 3 nguyên nhân chính: người dân phát nương đốt rẫy ở những khu vực giáp ranh gây cháy lan; người đi rừng khai thác lâm sản như đốt ong, sử dụng lửa bất cẩn dẫn đến cháy rừng; hoạt động của các lò hầm than trong rừng.

Ứng phó nguy cơ

 

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đã triển khai 66 đợt tuần tra bảo vệ rừng, phối hợp với UBND các xã trong lâm phận, lực lượng kiểm lâm các địa phương tổ chức 22 đợt tuần tra. Qua các đợt tuần tra, cùng với việc triệt phá các lò than, lực lượng của đơn vị còn phát hiện, lập biên bản 5 vụ lấn chiếm đất rừng để làm rẫy; tạm giữ và chuyển lực lượng chức năng xử lý hơn 6,3m3 gỗ các loại.

Chia sẻ về nguy cơ cháy rừng từ hoạt động của lò than, cán bộ BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cho biết, để triệt phá các lò than hoạt động trái phép, lực lượng của đơn vị gặp không ít khó khăn. Ông Phan Hải Ninh - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cam Phước Tây cho biết: “Nguyên nhân chủ yếu là các đối tượng không có việc làm ổn định, đời sống kinh tế khó khăn nên cố bám vào nghề đốt than. Ngoài ra, hiện nay có một số người dân tộc thiểu số cũng làm nghề đốt than nên việc xử lý gặp khó khăn. Trong lâm phận trạm chúng tôi được giao quản lý có tiểu khu 313 giáp ranh với địa bàn huyện Khánh Sơn là nơi có nhiều lò than hoạt động trái phép. Từ đầu mùa khô đến nay, chúng tôi đã phá hủy 7 lò than ở khu vực này”.


Theo lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, số lượng lò than trái phép hoạt động trong lâm phận đơn vị đã giảm nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng do lò than gây ra, thời gian qua, các trạm quản lý bảo vệ rừng của đơn vị tập trung triệt phá các lò than ở khu vực giáp ranh giữa xã Cam Phước Đông (TP. Cam Ranh) với xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn), giữa xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) với xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn), khu vực xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm)… Từ đầu mùa khô đến nay, các trạm quản lý bảo vệ rừng đã phá hủy 13 lò hầm than hoạt động trái phép, tiêu hủy hàng trăm kg than củi. Đơn vị cũng đã quán triệt trong quá trình trực phòng cháy, phát hiện nơi nào có khói lò than bốc lên thì lực lượng bảo vệ rừng sẽ nhanh chóng kiểm tra, triệt phá ngay các lò than.


Theo ông Tùng, đơn vị còn phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền về phòng, chống cháy rừng đến người dân các địa phương, nhất là các hộ sống gần rừng; vận động hơn 150 hộ cam kết bảo vệ rừng. Để canh gác lửa rừng, ngoài lực lượng chuyên trách thường xuyên tuần tra, trực 24/24 giờ, đơn vị còn hợp đồng thêm nhân công canh coi lửa rừng ở những khu vực trọng điểm, vệ sinh rừng để giảm nguồn vật liệu cháy, thi công bảo dưỡng đường ranh cản lửa, mua sắm thêm trang thiết bị phòng cháy. Qua 5 vụ cháy từ đầu năm đến nay, nhận định ban đầu của đơn vị có thể bắt nguồn từ việc sử dụng lửa bất cẩn gây cháy lan. Đơn vị mong muốn người dân sinh sống gần rừng, canh tác nương rẫy, khi lưu thông qua các khu vực giáp ranh với diện tích rừng của đơn vị cần hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng lửa.  


HẢI LĂNG