10:02, 13/02/2020

Bài 2: Cần có cơ chế tháo gỡ

Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, đã đến lúc hoạt động vận tải hành khách cần tính đến chuyện đường dài, để không bị động, bất ngờ trước những tình huống như hiện nay. Trước mắt, một số cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch cần sớm được triển khai.    

 

Bài 2: Cần có cơ chế tháo gỡ

 

Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, đã đến lúc hoạt động vận tải hành khách cần tính đến chuyện đường dài, để không bị động, bất ngờ trước những tình huống như hiện nay. Trước mắt, một số cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng từ dịch cần sớm được triển khai.  

 


Đường sắt, hàng không giảm 50% kế hoạch


Theo ông Nguyễn Bá Quân - Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, kế hoạch bay từ ngày 1-2 đến 28-3 dự kiến sẽ có 8.500 chuyến bay quốc tế đến và đi tại sân bay quốc tế Cam Ranh. Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 3.800 chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc đã bị hủy. Như vậy, số chuyến bay qua cảng đã bị giảm gần 45% so với kế hoạch đề ra. Hiện nay, 1 ngày có khoảng 100 đến 110 lần chuyến đi và đến cảng, giảm từ 45 đến 50% so với kế hoạch bay đã được cấp phép. Các chuyến bay hiện giờ chủ yếu là bay nội địa, chỉ còn khoảng 30 chuyến bay quốc tế đến các nước: Hàn Quốc, Nga, Thái Lan và Malaysia. Dịch Covid-19 đã khiến ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng. Trước đây, riêng đường bay từ Trung Quốc đi và đến qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã có từ 70 đến 80 chuyến mỗi ngày, với 14.000 đến 16.000 khách. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng dây chuyền đến hoạt động của các đường bay khác, kể cả nội địa, nhiều hành khách nghe có dịch nên cũng hủy tour đi Nha Trang.

 

Hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.  (Ảnh chụp tại sân bay Cam Ranh).

Hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. (Ảnh chụp tại sân bay Cam Ranh).


Ngành Đường sắt cũng đang đứng trước nhiều khó khăn. Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn đã tạm ngưng 11 đoàn tàu chạy các tuyến TP. Hồ Chí Minh đến một số nơi và ngược lại như: Vinh, Đồng Hới, Quảng Ngãi, Thanh Hóa và Hà Nội. Theo lãnh đạo Chi nhánh Vận tải Đường sắt Nha Trang, cùng với việc tạm ngưng một số đoàn tàu, nhiều mác tàu cũng được giảm giá vé để thu hút khách hàng, áp dụng từ ngày 6 đến 16-2 như: tàu SQN1 (tuyến Quy Nhơn - Sài Gòn), SNT1 (Nha Trang - Sài Gòn) giảm 25%, SE21 (Huế - Sài Gòn) giảm 30%.


“Chỉ trong vài ngày dịch, lượng khách đi tàu đã sụt giảm 50% so với bình thường (bình quân chưa có dịch khoảng 1.400 khách qua ga Nha Trang, hiện nay chỉ còn khoảng 700 khách), số đoàn tàu cũng phải cắt giảm một nửa so với trước đây (chủ yếu là tàu khu đoạn). Chúng tôi đang đứng trước thách thức rất lớn, chỉ mong sao dịch bệnh chóng qua để khôi phục sản xuất kinh doanh”, ông Lê Hồng Sơn - Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải Đường sắt Nha Trang cho biết.


Cần có chiến lược bền vững

 

Nhằm tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng đề nghị hỗ trợ tối đa. Hiện nay, đã có nhiều ngân hàng giảm lãi vay, chung tay chia sẻ khó khăn với các DN như: Vietcombank, KienLong Bank, VPBank…

Nhiều chuyên gia vận tải cho rằng, những khó khăn, thiệt hại do Covid-19 có thể sẽ còn kéo dài trong một thời gian nữa, không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, cũng từ đây có thể nhận thấy, hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn TP. Nha Trang phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng trưởng của khách du lịch, đặc biệt là khách Trung Quốc. Khi có dịch Covid-19, toàn bộ khách Trung Quốc rút về, hoạt động vận tải bị đình trệ, khó khăn bủa vây. Sau sự việc này, ngành vận tải cần có cái nhìn toàn cảnh, đưa ra chiến lược lâu dài, bền vững.


“Cách đây 3 năm, khi khách quốc tế đến Nha Trang tăng cao, nhất là khách Trung Quốc chiếm tới 70% thị phần, chúng tôi đã vay mua phương tiện phục vụ nhu cầu trung chuyển cho các tour du lịch. Không phải chúng tôi không nhìn ra vấn đề về sự rủi ro; DN cũng lường trước được lượng khách Trung Quốc sẽ giảm đi theo thời gian, nhưng chỉ cần 3 năm nữa là có thể hoàn vốn mua xe và tài sản sẽ là của mình. Thế nhưng, sự việc bất ngờ về dịch bệnh khiến DN lâm vào khủng hoảng. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành sớm có cơ chế tháo gỡ khó khăn, nhất là các ngân hàng để duy trì hoạt động chờ hồi phục thị trường khách”, ông Nguyễn Văn Quang - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Quang Hạnh đề xuất.


Theo ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, hoạt động vận tải luôn theo sau du lịch, phục vụ, hỗ trợ du lịch phát triển. Trước mắt, đơn vị đồng hành với các cấp, ngành để tham gia phòng, chống, đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục kinh tế. Ông Dần cho rằng, không phải chờ đến hết dịch mà ngay từ bây giờ, ngành Du lịch nên nghĩ đến việc tái cơ cấu các thị trường khách. Nên đa dạng các thị trường khác nhau, kể cả khách nội địa; đa dạng các sản phẩm du lịch, phân khúc thị trường khách nghỉ dưỡng, lưu trú, không lưu trú… đưa khách về các vùng ven nhằm giảm tải hạ tầng và môi trường cho Nha Trang. Du lịch theo hướng bền vững thì vận tải cũng sẽ bền vững. Các DN cũng cần tính toán chiến lược kinh doanh, tự làm mới mình, thu hút đối tác, hành khách, tránh bị động, bất ngờ như sự việc xảy hiện nay. 

 
MẠNH HÙNG

 


 

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, chỉ riêng từ ngày 1 đến 7-2 (1 tuần sau khi dừng khai thác khách Trung Quốc), sản lượng vận chuyển của các hãng không Việt Nam đạt 1,06 triệu khách, giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kỳ năm 2019. Tính sơ bộ, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý (giá dịch vụ điều hành bay đi - đến, hạ/cất cánh), cũng như chỉ đạo các DN cung cấp dịch vụ hàng không có các biện pháp giảm giá, phí do DN quyết định cho các hãng hàng không Việt Nam.