09:11, 26/11/2019

Hiệu quả mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

Xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) là điểm sáng trong việc thực hiện tốt mô hình Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Trong những năm qua, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn xã liên tục giảm.

Xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là điểm sáng trong việc thực hiện tốt mô hình Câu lạc bộ (CLB) phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Trong những năm qua, số vụ BLGĐ trên địa bàn xã liên tục giảm.


Can thiệp trực tiếp


Cách đây 10 năm, trên địa bàn xã Đại Lãnh xảy ra nhiều vụ BLGĐ. Từ thực tế đó, năm 2010, các CLB phòng, chống BLGĐ được thành lập trên địa bàn xã. Hiện nay, toàn xã có 6 CLB ở 6 thôn, sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng. Thành viên CLB gồm đại diện các ban, ngành, đoàn thể. Thông qua hoạt động của các CLB đã góp phần hạn chế rất nhiều tình trạng BLGĐ. Điển hình như trường hợp chị Lê Thị Thu ở thôn Đông Nam. Cả 2 vợ chồng đều đi biển, cuộc sống chẳng mấy dư giả, lại sinh con gái một bề. Vì lý do này mà vợ chồng chị thường xuyên cãi vã, thậm chí xô xát, đã có lúc chồng đánh đập chị. Chị Thu tâm sự: “Bản thân tôi lúc đó cảm thấy cuộc sống rất bế tắc và từng nghĩ đến chuyện ly hôn. Song được sự động viên của mọi người trong gia đình, đặc biệt là những chia sẻ, phân tích kịp thời của các thành viên CLB phòng, chống BLGĐ của thôn, vợ chồng tôi nhận thấy phải thay đổi cách suy nghĩ và có cách giải quyết vấn đề trong cuộc sống vợ chồng một cách thấu đáo. Nhờ đó, chúng tôi đã duy trì được hạnh phúc gia đình”.

 

Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình xã Đại Lãnh thu hút sự tham gia của nhiều phụ nữ.

Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình xã Đại Lãnh thu hút sự tham gia của nhiều phụ nữ.


Bà Nguyễn Thị Rần - Chủ nhiệm CLB phòng, chống BLGĐ thôn Đông Nam cho biết, các thành viên trong CLB thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, lập danh sách những hộ có nguy cơ xảy ra bạo lực để có biện pháp tư vấn, vận động tham gia sinh hoạt CLB. Thời gian đầu, CLB hoạt động còn khó khăn. Khi tới hòa giải, người dân không hợp tác, thậm chí phản ứng gay gắt. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì của các thành viên CLB, nhiều gia đình sau khi được hòa giải thành đã đến cảm ơn CLB. Công việc này tuy vất vả nhưng mang lại niềm vui cho nhiều gia đình, làng xóm yên bình.


Ông Lê Xuân Sơn - cán bộ truyền thông Khoa Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh cho biết, những năm qua, xã Đại Lãnh đã làm tốt công tác hòa giải, giảm số vụ BLGĐ, qua đó góp phần làm tốt công tác dân số ở địa phương. Mô hình CLB phòng, chống BLGĐ ở Đại Lãnh là một điểm sáng cần được nhân rộng ở cơ sở.


Chuyển biến tích cực


Mô hình CLB phòng, chống BLGĐ được xã triển khai lồng ghép với công tác dân số. Trong quá trình tuyên truyền, các CLB chú trọng phân tích cho người dân, nhất là nam giới hiểu rằng, trong hôn nhân, vợ và chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau, từ đó tạo sự đồng thuận, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các CLB còn tuyên truyền bài trừ mê tín, dị đoan, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, nghiện hút… tạo môi trường lành mạnh trong gia đình, làng xóm. Ngoài ra, xã phối hợp với cán bộ tư pháp mở lớp trợ giúp pháp lý cho phụ nữ nghèo, phụ nữ bị bạo lực, ức hiếp; phối hợp với Hội Nông dân mở lớp nấu ăn, nuôi gà thả vườn, nuôi ếch, trồng nấm, chăm sóc cây điều, nuôi tôm hùm lồng, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; phối hợp với Hội Phụ nữ mở lớp đan lưới, nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ. Các ban xóa đói giảm nghèo, ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, trẻ em; nêu cao tinh thần bình đẳng giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội…


Ông Nguyễn Lê Ngọc Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, CLB phòng, chống BLGĐ tại các khu dân cư, thu hút sự tham gia của nhiều chị em, đặc biệt là nam giới. Qua thống kê, tình trạng BLGĐ, số vụ BLGĐ tại xã giảm rõ rệt qua mỗi năm. Từ năm 2011 đến 2016, trên địa bàn xã xảy ra 40 vụ BLGĐ. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây chưa xảy ra vụ nào. Qua đó, đời sống tinh thần và vật chất của chị em ngày càng được nâng cao. Nhiều cán bộ nữ được cử đi học các lớp nâng cao, tỷ lệ nữ cán bộ chiếm gần 20%; 95% chị em được chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; những định kiến trọng nam khinh nữ, hủ tục lạc hậu giảm. Công tác dân số cũng đạt được kết quả tốt: Năm 2019, tỷ suất sinh của xã giảm còn 10,02‰, thấp hơn mức trung bình chung của huyện 0,95‰.


Ông Lê Xuân Sơn cho biết, thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường đối thoại, kết hợp tuyên truyền giúp người dân thực hiện tốt Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, từng bước giảm thiểu các vụ BLGĐ. Bên cạnh đó, sẽ quan tâm, chú trọng hơn nữa đến việc phát triển các loại hình CLB, nhất là CLB phòng, chống BLGĐ nhằm tạo điều kiện cho mọi gia đình tiếp cận được những kiến thức pháp luật, văn hóa, y tế, giáo dục… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống BLGĐ, giúp các gia đình tự bảo vệ và “giữ lửa” yên ấm, hạnh phúc.


THANH TRÚC