10:09, 04/09/2019

Khó vận động hiến đất làm đường

Những năm gần đây, do giá đất tăng cao nên việc thực hiện Nghị quyết 17 ngày 31-12-2009 của Thành ủy Nha Trang về vận động nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, do giá đất tăng cao nên việc thực hiện Nghị quyết 17 ngày 31-12-2009 của Thành ủy Nha Trang về vận động nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn.


Những khó khăn, vướng mắc


Phường Vạn Thạnh hiện có 2 công trình thực hiện theo Nghị quyết 17 là đường Vạn Hòa và đường Nguyễn Thái Học. Theo lãnh đạo UBND phường, đường Vạn Hòa có 56 trường hợp bị ảnh hưởng, công trình đang thi công, đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc. Hiện nay, còn 3 hộ phải bố trí tái định cư (TĐC) đã đồng ý giải tỏa, TĐC, phường đề nghị thành phố sớm bố trí đất TĐC cho 3 hộ này. Ngoài ra, có 2 trường hợp bị ảnh hưởng một phần, phường đã nhiều lần vận động, thuyết phục nhưng người dân không đồng ý hiến đất. Do vậy, công trình đã thi công xong phần lòng đường và hệ thống thoát nước nhưng chưa thi công phần vỉa hè do chưa vận động được 2 hộ này hiến đất. Sắp tới, phường sẽ tiếp tục vận động 2 hộ này. Đường Nguyễn Thái Học đã vận động được 49 trường hợp; có 4 trường hợp khó vận động do chủ sử dụng đất đang ở nước ngoài hoặc cha mẹ mất mà các con có người đồng ý, người không đồng ý hiến đất.

 

Việc vận động người dân hiến đất làm đường Cao Văn Bé, phường Vĩnh Phước đang gặp khó khăn.

Việc vận động người dân hiến đất làm đường Cao Văn Bé, phường Vĩnh Phước đang gặp khó khăn.

 
Phường Vĩnh Phước có đường Cao Văn Bé vận động người dân hiến đất làm đường nhưng phải dừng lại. Đến nay, UBND phường đã hoàn thành việc vận động người dân hiến đất và lát vỉa hè theo đúng lộ giới quy hoạch ở bên trái tuyến, theo hướng từ đường 2-4 ra Phạm Văn Đồng; còn bên phải tuyến (55 trường hợp bị ảnh hưởng), đa số người dân không đồng ý hiến đất do giá đất tăng cao, một số hộ mua bán từ chủ này sang chủ khác với mức giá cao nên yêu cầu bồi thường. Lãnh đạo UBND phường cho biết, 50% số hộ ở đây đã chuyển nhượng đất cho chủ mới nên phường báo cáo UBND thành phố rà soát lại và tiếp tục vận động các chủ mới.


Công trình đường Nguyễn Chích giai đoạn 2 (phường Vĩnh Hòa) có 59 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó có 5 trường hợp giải tỏa trắng. Theo lãnh đạo UBND phường, qua nhiều lần vận động, chỉ có 25 hộ trong 1 tổ đồng thuận, số còn lại không đồng ý, phường sẽ tiếp tục vận động. Công trình đường Nguyễn Khắc Viện có quy hoạch 13m, nhưng khi thực hiện công tác vận động, người dân trong khu vực chỉ thống nhất đầu tư theo lộ giới 10m (lòng đường 7m như quy hoạch, còn vỉa hè chỉ đồng ý 3m) do đa số các ngôi nhà nằm dọc tuyến đường.

 

Đường Nguyễn Thái Học (phường Vạn Thạnh).

Đường Nguyễn Thái Học (phường Vạn Thạnh).


Hiện nay, thành phố có 10 công trình của 6 xã, phường thực hiện theo Nghị quyết 17 đang gặp khó khăn, vướng mắc gồm: Vạn Hòa, Nguyễn Thái Học (phường Vạn Thạnh); Cao Văn Bé (phường Vĩnh Phước), Nguyễn Biểu - đoạn từ đường Phan Phù Tiên đến đường 2-4 (phường Vĩnh Hải); Nguyễn Chích, Nguyễn Khắc Viện (phường Vĩnh Hòa); Châu Văn Liêm (đoạn từ Nguyễn Thị Định đến Đinh Lễ và đoạn từ Dương Quảng Hàm đến Nguyễn Đức Cảnh), Lương Thế Vinh (phường Phước Long); đường số 2 (xã Vĩnh Lương). Các công trình này gặp khó do một số nguyên nhân: giá trị bồi thường, hỗ trợ vật kiến trúc còn thấp; giá trị đất theo giá thị trường cao nên nhiều trường hợp không chấp nhận hiến đất mà yêu cầu bồi thường và vướng trong việc bố trí TĐC cho các hộ bị giải tỏa trắng, các trường hợp diện tích còn lại sau giải tỏa dưới 25m2, không phù hợp để xây dựng nhà ở theo quy định nhưng các hộ vẫn đề nghị được tồn tại và xây nhà gây mất mỹ quan đô thị, trật tự xây dựng.


Rà soát lại các công trình

 

Giai đoạn 2010 - 2015, có 8 địa phương đã triển khai thực hiện được các dự án đầu tư theo Nghị quyết 17 của Thành ủy gồm các phường: Phước Long, Vĩnh Hòa, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Phước, Vĩnh Hải, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường và xã Phước Đồng với 30 công trình đường giao thông, có tổng chiều dài 11.499m với lộ giới đường từ 9m đến 20m. Các địa phương đã vận động 1.778 hộ tự nguyện giải tỏa, với tổng diện tích đất giải tỏa 41.072m2; tổng giá trị phần đóng góp của dân (bao gồm giá trị phần đất và giá trị phần nhà, vật kiến trúc, hoa màu do dân tự nguyện giải tỏa) gần 172,9 tỷ đồng.

Qua báo cáo, Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố đề xuất, đối với các tuyến đường không có khả năng mở rộng theo lộ giới quy hoạch, không có tính kết nối hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực, kiến nghị UBND thành phố xem xét đầu tư theo hiện trạng nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Phòng Quản lý đô thị phối hợp với chủ đầu tư và các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch, xem xét cụ thể từng công trình, tham mưu UBND thành phố cho phép sử dụng ngân sách thành phố thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư công trình theo quy định. Các đơn vị rà soát quy hoạch trên địa bàn thành phố tìm quỹ đất phù hợp để tham mưu UBND thành phố cho phép thực hiện dự án khu TĐC. Chủ đầu tư cần chủ động phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, Phòng Tài nguyên và Môi trường để xác định vị trí TĐC; trong quá trình vận động, thông báo cho người dân biết vị trí để có ý kiến. Bên cạnh đó, rà soát, thu hồi quỹ đất có vị trí thuận lợi trên địa bàn thành phố hoặc các quỹ đất do các cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố quản lý nhưng dôi dư sau khi sắp xếp lại nhà đất nhằm tạo nguồn để thực hiện TĐC cho các trường hợp ảnh hưởng khi thực hiện công trình.


Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các xã, phường rà soát lại từng công trình, báo cáo những khó khăn, vướng mắc và đề xuất cụ thể. Phòng Quản lý đô thị rà soát các tuyến đường nêu trên, tham mưu UBND thành phố tuyến đường nào tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 17, tuyến đường nào tạm dừng. Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố rà soát lại quỹ đất TĐC trên địa bàn…


NAM DU