09:09, 04/09/2019

Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Ít người tham gia

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một chính sách rất thiết thực cho nhiều người lao động không thuộc biên chế Nhà nước, hợp đồng lao động. Thế nhưng hiện nay, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn khá hạn chế, đòi hỏi các ngành chức năng cần triển khai giải pháp khả thi để thu hút người dân tham gia, đảm bảo chính sách an sinh xã hội.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một chính sách rất thiết thực cho nhiều người lao động không thuộc biên chế Nhà nước, hợp đồng lao động. Thế nhưng hiện nay, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn khá hạn chế, đòi hỏi các ngành chức năng cần triển khai giải pháp khả thi để thu hút người dân tham gia, đảm bảo chính sách an sinh xã hội.


Lợi ích thiết thực


Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc quản lý BHXH tỉnh cho biết, trước đây chỉ có những cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước hoặc người lao động có hợp đồng dài hạn tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mới tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi về già. Những người lao động tự do không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nên không có chế độ hưu trí. Tuy nhiên, từ năm 2007, khi có chính sách về BHXH tự nguyện, mọi đối tượng trong xã hội từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện. Mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập do người tham gia lựa chọn. Mức thu nhập thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Đặc biệt, kể từ tháng 1-2018, người tham gia BHXH tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 25% thuộc hộ cận nghèo và 10% với các trường hợp khác.

 

Người dân phường Ninh Đa đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Người dân phường Ninh Đa đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.


Bà Phạm Thị Bích (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện được hơn 1 năm. Bà chia sẻ: “Sau khi tìm hiểu, tôi thấy chính sách bảo hiểm này rất tốt nên quyết định tham gia. Sau này tới tuổi nghỉ hưu, tôi sẽ có lương hưu gấp 4 lần mức đóng, hoặc nếu mất thì người thân sẽ được nhận tiền tuất. Đặc biệt, mức đóng hàng tháng cũng thấp hơn một số loại bảo hiểm nhân thọ, chưa kể còn được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đóng. Hiện nay, mỗi tháng, tôi chỉ đóng hơn 138.000 đồng. Tính ra, mỗi năm, tôi chỉ đóng hơn 1,6 triệu đồng, nhân viên bảo hiểm tới tận nhà để thu mỗi năm 1 lần, rất thuận lợi”.


Ông Hồ Xánh (phường Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa) cũng tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng hơn 154.000 đồng/tháng. “Tôi thấy chính sách này rất thiết thực, mức đóng khá phù hợp với thu nhập từ nghề buôn bán và làm nông của gia đình. Sau 20 năm đóng, về già, chúng tôi sẽ có lương hưu, giảm bớt gánh nặng cho con cháu”, ông Xánh nói.



Tập trung phát triển đối tượng


Lợi ích của BHXH tự nguyện đã thấy rõ nhưng toàn tỉnh chỉ có 4.700 người tham gia BHXH tự nguyện/1,336 triệu dân, trong đó có hơn 153.100 người đã tham gia BHXH bắt buộc. Theo các ngành chức năng, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp là người dân chưa có thói quen dự phòng cho những rủi ro trong cuộc sống hoặc giai đoạn về già, hết tuổi lao động. Mặt khác, đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên làm công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế về số lượng, nghiệp vụ nên chưa giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ để người dân hiểu hết về lợi ích khi tham gia loại hình bảo hiểm này. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa, nhận thức của người dân còn hạn chế nhưng đội ngũ nhân lực của ngành bảo hiểm chưa vươn tới được...


Ông Lê Hùng Chính cho biết, để phủ rộng hơn nữa chính sách BHXH tự nguyện đến người dân, trong thời gian tới, ngành BHXH sẽ tập trung mở rộng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về những lợi ích, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, chú trọng tổ chức hội nghị tại cơ sở để trực tiếp trao đổi, tư vấn, giải đáp rõ những chính sách cho người dân, từ đó tự nguyện tham gia. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các hội, đoàn thể để lồng ghép tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện. Ngành cũng phát động phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị vận động người thân, người dân tham gia BHXH tự nguyện.


Ông Trần Đình Tấn - phụ trách công tác tuyên truyền BHXH thị xã Ninh Hòa kiến nghị, để tăng số lượng người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam cần nghiên cứu điều chỉnh giảm thời gian đóng, bởi hiện nay, đa số người tham gia đã lớn tuổi, chủ yếu từ 40 tuổi trở lên; điều chỉnh tăng mức hưởng và các quyền lợi khác theo từng năm. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần giao chỉ tiêu cụ thể hàng năm để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện…


VĂN GIANG