09:09, 08/09/2019

Cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật: Nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao

Sau hơn 1 năm tổ chức, cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật lần thứ VIII (năm 2018 - 2019) vừa khép lại với nhiều sản phẩm mới, sáng tạo mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Sau hơn 1 năm tổ chức, cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật (KH-KT) lần thứ VIII (năm 2018 - 2019) vừa khép lại với nhiều sản phẩm mới, sáng tạo mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống.


Tích cực tham gia


Sau 8 lần tổ chức, cuộc thi Sáng tạo KH-KT ngày càng thu hút đông đảo cán bộ KH-KT, nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Cuộc thi lần này có 222 sản phẩm của các tác giả và nhóm tác giả dự thi đạt yêu cầu. Trong đó, cán bộ KH-KT có 121 sản phẩm dự thi, chiếm 54,5%; công nhân, nông nhân 101 sản phẩm. Qua đó, Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh đã chấm và trao giải cho 65 sản phẩm xuất sắc.

 

Theo ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, năm nay, các sản phẩm dự thi có nhiều ý tưởng mới, sáng tạo, khoa học, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Các sản phẩm dự thi ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí, tự động hóa, xây dựng và giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông - lâm - ngư nghiệp và tài nguyên môi trường; y dược; giáo dục.

 

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong hội thi.

Ông Nguyễn Tấn Tuân trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong hội thi.

 

Nhiều sản phẩm đạt chất lượng cao


Cuộc thi năm nay, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và tài nguyên môi trường tiếp tục có nhiều sản phẩm dự thi (127 sản phẩm) đạt chất lượng cao. Cụ thể như, sản phẩm “Quy trình chẩn đoán bệnh sán lá sinh sản ở vịt và quy trình phòng trị bệnh sán lá sinh sản ở vịt” của TS Nguyễn Đức Tân - Giám đốc Phân viện Thú y miền Trung đạt giải nhất; “Quy trình phát hiện vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei gây bệnh ở tôm bằng kỹ thuật Realtime” của TS Vũ Khắc Hùng và Thạc sĩ Nguyễn Xuân Trường - Phân viện Thú y miền Trung đạt giải nhì; “Quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá bè vẩu (Caranx ignobilis Forsskal,1775)” của Công ty TNHH Phượng Hải. Đây là giống cá mới được sinh sản nhân tạo đầu tiên tại tỉnh, góp phần tạo thêm đối tượng mới trong nuôi trồng thủy sản.


Bên cạnh đó, lĩnh vực y tế với nhiều sản phẩm có tính sáng tạo đã được áp dụng mang lại hiệu quả cao trong nghiên cứu, điều trị tại Khánh Hòa và có khả năng nhân rộng trong cả nước. Điển hình như, sản phẩm “Đánh giá, ứng dụng hiệu quả phương pháp phá hủy khối u gan tại chỗ bằng vi sóng trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa” của bác sĩ chuyên khoa II Cao Việt Dũng đạt giải nhì. Ưu điểm của phương pháp này là ít xâm nhập, hiệu quả cao; người bệnh ít đau sau phẫu thuật, hồi phục nhanh sau điều trị; kỹ thuật này cũng đơn giản hơn so với phương pháp mổ cắt gan kinh điển. Bước đầu, bệnh viện đã áp dụng trong điều trị bệnh có hiệu quả, giúp bệnh nhân không phải chuyển tuyến trên như trước đây...


Lĩnh vực cơ khí, năng lượng cũng có nhiều sản phẩm dự thi, trong đó có những sản phẩm hữu ích, giúp tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong quá trình sản xuất như: Giải pháp “Cải tạo máy gặt đập liên hợp hiệu KUBOTA” của ông Nguyễn Dăng - Hội Nông dân huyện Vạn Ninh. Đây là sản phẩm được ban tổ chức đánh giá cao về tính sáng tạo và hiệu quả áp dụng thực tế. Ông Dăng cho biết: “Qua quá trình sử dụng máy gặt đập liên hợp hiệu KUBOTA, tôi thấy khâu đập lúa của máy vẫn còn tồn đọng lúa trong rơm, rơi vãi, thất thoát nhiều. Vì vậy, sau một thời gian nghiên cứu, tôi đã cải tạo lại hệ thống bánh răng đập lúa của máy, giúp khâu đập lúa tốt hơn, giảm tỷ lệ hao hụt. Từ kết quả đó, hiện nay, tôi đã áp dụng cho 4 máy của gia đình và được người dân đánh giá cao trong quá trình sử dụng”.


Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc thi vẫn còn hạn chế như: một số địa phương, đơn vị phát động, phổ biến cuộc thi chưa kịp thời; chưa có nhiều sản phẩm tham gia. “Để cuộc thi ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, Ban tổ chức cuộc thi đề nghị lãnh đạo các cơ quan, các sở, trường, viện, doanh nghiệp, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức phát huy cao tính sáng tạo kỹ thuật; đồng thời tổ chức phổ biến, nhân rộng, đưa các nội dung sáng tạo kỹ thuật vào thực tế cuộc sống”, ông Bùi Mau nói.


KHÁNH HÀ

 


 

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Cuộc thi sáng tạo KH-KT góp phần thúc đẩy phong trào lao động đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực KH-KT, khuyến khích ứng dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để cuộc thi ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng, các sở, ngành, trường viện, cơ quan, đoàn thể chính trị xã hội, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các cá nhân, tập thể tích cực tham gia dự thi; đội ngũ cán bộ, trí thức, kỹ thuật, nông dân cần phát huy tính sáng tạo, nghiên cứu tạo thêm nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong thực tiễn. Liên hiệp các Hội KH-KT tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng, đưa các nội dung sáng tạo kỹ thuật vào thực tiễn để nhiều người dân biết…