Sở Giao thông vận tải vừa đề xuất đầu tư xây dựng 14 đoạn tuyến đường gom khu vực đông dân cư trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, trong đó có ưu tiên phân kỳ đầu tư.
Sở Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề xuất đầu tư xây dựng 14 đoạn tuyến đường gom khu vực đông dân cư trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh, trong đó có ưu tiên phân kỳ đầu tư.
14 vị trí cần xây dựng đường gom
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, trên địa bàn tỉnh có 4 tuyến quốc lộ nằm trong diện xem xét xây dựng các đường gom, gồm: Quốc lộ 1, Quốc lộ 26, Quốc lộ 26B và Quốc lộ 27B. Qua kiểm tra, sở nhận thấy có một vài vị trí tập trung đông dân cư, có nhiều điểm đấu nối trái phép tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Việc đầu tư các tuyến đường gom nhằm xóa bỏ các điểm đấu nối trái phép, bảo đảm an toàn giao thông và góp phần nâng cao năng lực khai thác của quốc lộ.
Theo quy hoạch chi tiết hệ thống đường gom dọc tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh được UBND phê duyệt từ năm 2015, đường gom được thiết kế dọc theo các quốc lộ gồm: 1, 26, 26B và 27B với tổng chiều dài 206,81km. Quy hoạch nhằm xây dựng một bản đồ số tỷ lệ 1/10.000 dọc theo các quốc lộ trên địa bàn tỉnh, phục vụ quy hoạch chi tiết các đường gom, các điểm đấu nối làm cơ sở dữ liệu để các cơ quan, ban, ngành cấp phép và quản lý xây dựng ngoài phạm vi hành lang quản lý đường bộ dọc theo 2 bên quốc lộ. Cũng theo quy hoạch này, giai đoạn 1 (2015 - 2020), tỉnh sẽ đóng 40% đường ngang trái phép dọc tuyến quốc lộ nhưng hiện nay chưa thực hiện được. Trong khi đó, việc xây dựng đường gom trong khu vực đông dân cư, nơi có nhiều điểm đấu nối gặp nhiều khó khăn, chưa đạt như kỳ vọng; từ năm 2015 đến nay mới chỉ hoàn thành đầu tư 0,32km đường gom theo quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, nếu thực hiện theo quy hoạch được UBND tỉnh duyệt năm 2015 thì phải giải tỏa rất nhiều nhà dân, trong khi công tác giải tỏa khó khăn, phức tạp, kinh phí đền bù lớn. Vì vậy, sở đề xuất chỉ thực hiện xây dựng các tuyến đường gom nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Cụ thể, có 14 đoạn tuyến cần phải đầu tư đường gom, trong đó có 13 vị trí nằm trên Quốc lộ 1 và 1 vị trí nằm trên Quốc lộ 26.
Phân kỳ đầu tư
Dự kiến, tổng mức đầu tư 14 đoạn tuyến khoảng hơn 2.100 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 gần 1.000 tỷ đồng. Suất đầu tư 1km khoảng 16,3 tỷ đồng, được tính theo suất vốn đầu tư tại Quyết định 1291 của Bộ Xây dựng. Giá trị tổng mức đầu tư trên bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng là giá trị dự kiến và tạm tính. Sau khi được Bộ GTVT và UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, việc thực hiện rà soát chi phí giải phóng mặt bằng sẽ được triển khai cụ thể phù hợp với tình hình thực tế. |
“Theo quy định, để đảm bảo việc đầu tư xây dựng hệ thống đường gom nêu trên thì phải được Bộ GTVT xem xét đồng ý chấp thuận chủ trương mới có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Do đó, sở dự thảo văn bản tham mưu UBND tỉnh gửi Bộ GTVT xem xét, bố trí hệ thống đường gom đi qua khu vực đông dân cư nằm trong hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến quốc lộ”, ông Dần nói.
Theo đề xuất của Sở GTVT, sau khi được Bộ GTVT thống nhất chủ trương cho phép đầu tư hệ thống đường gom nằm trong hành lang các tuyến quốc lộ, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương và biên bản kiểm tra hiện trường, sở đề xuất thực hiện một số tuyến đường gom vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 theo thứ tự ưu tiên. Theo đó, ưu tiên 1 là đầu tư 6 đoạn tuyến trên Quốc lộ 1 qua địa bàn các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm và Cam Ranh; số vị trí còn lại sẽ được đầu tư sau. Quy mô đường gom sẽ có bề rộng nền đường 10m, vận tốc thiết kế 60km/giờ; mặt đường bê tông nhựa trên lớp móng cấp phối đá dăm.
Được biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện các thủ tục để triển khai quy hoạch chung của tỉnh tuân thủ Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua tháng 11-2017, có hiệu lực đầu năm 2019. Trong quá trình triển khai, Sở GTVT sẽ rà soát quy hoạch đường gom được duyệt, tham mưu UBND tỉnh cập nhật điều chỉnh quy hoạch vào quy hoạch chung của tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
THÀNH NAM