Sở Công Thương đang hoàn tất các thủ tục để sớm triển khai Đề án Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Khánh Hòa trong tháng 9. Đây sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về thương mại và là kênh thông tin, giao thương hiệu quả cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Sở Công Thương đang hoàn tất các thủ tục để sớm triển khai Đề án Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Khánh Hòa trong tháng 9. Đây sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước về thương mại và là kênh thông tin, giao thương hiệu quả cho doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng.
Sự cần thiết phải đầu tư
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện nay, 100% DN trên địa bàn tỉnh có kết nối Internet, 118 website bán hàng của các tổ chức, cá nhân đã thông báo và được Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phê duyệt. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động trao đổi thông tin kinh tế ngày một hiện đại, đòi hỏi DN phải có thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác và hiệu quả. Điều này đặt ra yêu cầu cần có hệ thống sàn giao dịch TMĐT nhằm đáp ứng tốt việc truy tìm, trao đổi thông tin cũng như giải quyết hiệu quả bài toán cập nhật về quản lý thông tin DN.
Thực tế, hiện nay, nhiều DN đã nhận thức tốt về vai trò và tầm quan trọng của TMĐT nên đã đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để khai thác, phát triển thêm thị trường và chăm sóc khách hàng. Các DN vừa và nhỏ từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin nhằm nâng cao công tác quản trị DN và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Một số DN đã thiết lập website TMĐT bán hàng hoặc tham gia sàn giao dịch TMĐT khác. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa cao. Đại diện Công ty TNHH Tin học TH Nha Trang chia sẻ, công ty có website TMĐT và một gian hàng trên Lazada. Thế nhưng, hoạt động TMĐT của công ty chủ yếu là báo giá, giới thiệu để khách hàng tìm hiểu sản phẩm và so sánh giá cả. Phần lớn khách hàng vẫn đến tận nơi để mua sản phẩm do chưa thật sự tin tưởng vào website bán hàng của DN.
Ngoài ra, một số DN đã thiết lập website TMĐT nhưng không thông báo với Bộ Công Thương nên cũng gây hạn chế, khó khăn cho công tác quản lý nhà nước hiện nay. 7 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện và xử phạt 2 trường hợp vi phạm thiết lập website TMĐT bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Bên cạnh đó, các website TMĐT của DN, cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay phần lớn chỉ thực hiện chức năng xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm, thương hiệu, giới thiệu hàng hóa đến khách hàng mà chưa có sự liên kết giữa các DN cùng hiệp hội, ngành hàng; chưa phát sinh nhiều giao dịch mua bán trực tuyến...
Triển khai trong tháng 9
Ông Huỳnh Tấn Hải - Quyền Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) cho biết, sàn giao dịch TMĐT tỉnh Khánh Hòa sẽ là môi trường trung gian kết nối các hoạt động giao thương của tổ chức, cá nhân trong tỉnh với nhau; kết nối các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế với các DN của tỉnh. Đây cũng là địa chỉ để các DN đăng tải thông tin về các sản phẩm dịch vụ của mình và thực hiện mua bán trực tuyến. Sàn giao dịch TMĐT sẽ cung cấp thông tin thương mại phục vụ cho DN, cơ sở sản xuất thực hiện các chiến lược đầu tư, kinh doanh, khai thác các lợi thế cạnh tranh của địa phương. Thông qua hệ thống sàn giao dịch TMĐT, công tác quản lý nhà nước sẽ được hỗ trợ tốt hơn như: có thể theo dõi, phân tích, dự báo và tổng hợp về tình hình thị trường, tiêu thụ hàng hóa của địa phương; thiết lập chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng hàng hóa của tỉnh ở thị trường trong nước; triển khai chính sách thị trường, rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật về xuất, nhập khẩu hàng hóa; tích cực tham gia vào phát triển thị trường quốc tế… Tổng kinh phí thực hiện dự án được cấp từ nguồn ngân sách nhà nước là 686 triệu đồng, trong đó kinh phí ngân sách Trung ương từ Chương trình phát triển TMĐT quốc gia năm 2019 là 480 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng do ngân sách cấp tỉnh cấp. Dự kiến đến tháng 9, dự án sẽ được triển khai thực hiện các hạng mục đầu tư với địa chỉ dự kiến là: www.KhanhHoasanTMDT.com.
Theo đó, khâu cung ứng đầu vào của sàn giao dịch TMĐT gồm sản phẩm hoàn thiện của DN hoặc hợp tác xã có thể đưa ra thị trường ngay thông qua hệ thống, hoặc thông qua nhà máy chế biến trước khi phân phối, bán lẻ trên thị trường. Hệ thống tự động thông báo khi bất kỳ một chủng loại sản phẩm nào đó gần hết, hoặc quản trị hệ thống có thể đăng tải theo giới hạn số lượng cụ thể. Khách hàng của hệ thống là đơn vị, cá nhân có nhu cầu tiêu dùng hoặc muốn trở thành các cửa hàng bán lẻ… có thể truy cập hệ thống để chọn mua hàng hóa. Quy trình mua bán tuân thủ theo Nghị định 52/2013 của Chính phủ về TMĐT.
MAI HOÀNG