Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Khánh Hòa đã triển khai sâu rộng Luật Việc làm, qua đó thu được những kết quả đáng ghi nhận. Với hàng loạt chính sách hỗ trợ và tạo việc làm được thực thi đã giúp người lao động có nhiều sự lựa chọn về việc làm, nâng cao thu nhập.
Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Khánh Hòa đã triển khai sâu rộng Luật Việc làm, qua đó thu được những kết quả đáng ghi nhận. Với hàng loạt chính sách hỗ trợ và tạo việc làm được thực thi đã giúp người lao động (NLĐ) có nhiều sự lựa chọn về việc làm, nâng cao thu nhập.
Tạo nhiều việc làm mới
Năm 2015, Luật Việc làm có hiệu lực với hàng loạt chính sách trong hỗ trợ, tạo việc làm cho NLĐ. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong giải quyết việc làm cho NLĐ, nhất là chính sách giải quyết việc làm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, tạo sự chuyển biến nhanh về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng sản xuất gắn với thị trường, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho NLĐ, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho NLĐ có tay nghề, dễ tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Ngoài ra, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đã góp phần tạo việc làm mới cho nhiều NLĐ trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, căn cứ trên nhu cầu vay vốn, UBND tỉnh chuyển vốn từ ngân sách địa phương sang để cho vay giải quyết việc làm. Từ nguồn vốn vay, nhiều cơ sở sản xuất vừa và nhỏ đã mạnh dạn đầu tư mua sắm thêm trang thiết bị, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản xuất, tuyển dụng thêm nhiều lao động vào làm việc. Đối với các hộ gia đình, lao động nông thôn có thêm cơ hội xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư khôi phục các ngành nghề truyền thống… Tính đến ngày 31-5, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 288 tỷ đồng cho hơn 8.800 hộ vay vốn giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, chính sách trong hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho NLĐ ở khu vực nông thôn cũng được triển khai hiệu quả. Hàng năm, dựa trên nhu cầu và đề xuất của các xã, phường, thị trấn, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan tổ chức các lớp dạy nghề nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho khu vực nông thôn, chuyển đổi nghề nghiệp. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề theo các chính sách nói trên cho hơn 5.700 người. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp cho hơn 3.600 người; đào tạo nghề nông nghiệp 1.390 người; đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng, nghiệp vụ thuyền viên và thợ máy tàu cá cho hơn 600 người.
Tiếp tục triển khai đồng bộ
Chính sách việc làm công cũng được các cấp, ngành, địa phương triển khai hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 200 dự án và công trình được triển khai, qua đó đã hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 3.500 lượt lao động. Đặc biệt, từ năm 2016, khi tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ vốn vay xuất khẩu lao động với lãi suất ưu đãi đã giúp NLĐ có đủ chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Mỗi năm, có khoảng 5 doanh nghiệp phối hợp với các địa phương để tuyển chọn hơn 150 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Thu nhập bình quân của những lao động đi làm việc ở nước ngoài từ 25 đến 40 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, chính sách về hỗ trợ thông tin thị trường và tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ cũng được triển khai mạnh mẽ. Hàng năm, các ngành chức năng đều thực hiện rà soát cung - cầu lao động để có định hướng tốt về nhu cầu việc làm, đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã nâng cấp và mở sàn giao dịch việc làm để trực tiếp kết nối doanh nghiệp với NLĐ. Trung bình, mỗi năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tư vấn việc làm cho hơn 16.000 lượt NLĐ, qua đó kết nối việc làm cho hơn 10.000 người...
Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết, với các chính sách việc làm được triển khai đồng bộ đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho NLĐ địa phương. Thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phấn đấu tạo việc làm mới hàng năm cho hơn 11.500 người. Đồng thời, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo quy định của Luật Việc làm như: Chính sách việc làm công; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho NLĐ ở khu vực nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho NLĐ ở khu vực nông thôn; hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Cùng với đó, đầu tư hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm theo quy hoạch đáp ứng các yêu cầu về phát triển thị trường lao động…
PHÚ VINH