11:02, 18/02/2019

Quá trình thi hành Luật Hộ tịch: Bộc lộ nhiều vướng mắc

Luật Hộ tịch có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Sau một thời gian thi hành cho thấy, bên cạnh thuận lợi, luật cũng bộc lộ những hạn chế cần được tháo gỡ.

Luật Hộ tịch có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Sau một thời gian thi hành cho thấy, bên cạnh thuận lợi, luật cũng bộc lộ những hạn chế cần được tháo gỡ.


Vướng Luật và văn bản hướng dẫn


Luật Hộ tịch nêu, với những việc hộ tịch không quy định thời hạn giải quyết thì giải quyết trong ngày; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo. Quy định này đang gây áp lực rất lớn cho cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện, bởi nơi tiếp nhận, thụ lý và ký duyệt hồ sơ không cùng địa điểm. Chưa kể, nhiều trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn, người dân không cung cấp đủ giấy tờ, cần xác minh ở các nơi.

 

Công chức hướng dẫn người dân tại bộ phận một cửa UBND huyện Diên Khánh.

Công chức hướng dẫn người dân tại bộ phận một cửa UBND huyện Diên Khánh.


Đối với thủ tục thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc thì thẩm quyền thuộc UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân. Nhiều trường hợp giấy tờ hộ tịch không do UBND cấp xã trên địa bàn huyện cấp nên phòng tư pháp phải gửi xác minh về địa phương khác, nhưng gửi nhiều lần không trả lời. Một số trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, có con chung, khai sinh của con để trống phần thông tin cha. Sau khi hai bên chia tay, người mẹ bỏ đi không liên hệ được, người cha được UBND cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho nhận con nhưng lại không đổi được họ cho con theo họ cha do Luật Hộ tịch quy định việc thay đổi họ tên cho con dưới 18 tuổi phải được cả cha mẹ đồng ý.


Trong đăng ký khai tử, Luật Hộ tịch quy định phải nộp tờ khai theo mẫu và giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay thế. Thực tế, có nhiều người chết đã lâu nhưng chưa được đăng ký khai tử. Khi người nhà yêu cầu đăng ký để giải quyết các thủ tục khác lại không có giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế nên không có căn cứ giải quyết khai tử quá hạn. Nghị định 123 của Chính phủ hướng dẫn Luật Hộ tịch quy định, Bộ Y tế được giao hướng dẫn các cơ sở y tế cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử, nhưng lại chưa quy định mẫu giấy. Ngoài ra, hầu hết giấy chứng sinh do cơ sở y tế cấp chỉ ghi tên cơ sở, hoặc thêm đơn vị hành chính cấp tỉnh, không ghi địa danh hành chính 3 cấp. Nhưng, nơi sinh lại quy định ghi theo giấy chứng sinh. Điều này làm khó công dân khi kê khai nơi sinh 3 cấp sau này. Do đó, công chức lại phải tự tra cứu địa danh hành chính để hướng dẫn công dân.


Trong đăng ký lại khai sinh, nhiều trường hợp công dân không còn bất kỳ giấy tờ nào để xác định cha, mẹ. Cơ quan đăng ký hộ tịch gửi xác minh nhưng nếu không có trả lời thì phải để trống phần cha, mẹ trong giấy khai sinh, gây khó cho công dân khi thực hiện các thủ tục cần chứng minh quan hệ cha, mẹ - con như: thừa kế, xuất cảnh... Ngoài ra, cũng chưa có quy định về đăng ký khai sinh cho người đã trưởng thành mà chưa từng được đăng ký khai sinh; không có giấy tờ cá nhân.


Việc liên thông 3 thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng chưa thực sự thuận lợi, vì người dân phải khai 3 loại tờ khai của 3 thủ tục, trong khi nhiều nội dung giống nhau...


 Áp dụng luật khác cũng vướng

 

Từ ngày 1-1-2016 đến hết ngày 30-6-2018, toàn tỉnh đã giải quyết 162.953 việc hộ tịch, trong đó có 4.053 việc hộ tịch tại UBND cấp huyện và 158.900 việc tại UBND cấp xã.

Trong đăng ký giám sát việc giám hộ, Bộ luật Dân sự quy định người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát; nếu không chọn được thì UBND cấp xã nơi người giám hộ cư trú cử; nếu tranh chấp thì Tòa án quyết định. Với cả 3 trường hợp trên, nếu giám sát liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì sau khi cử, chọn, người giám sát phải đăng ký tại UBND cấp xã nơi người được giám hộ cư trú. Nhưng luật chưa quy định thủ tục này.


Luật Nuôi con nuôi quy định thẩm quyền ghi chú việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thuộc Sở Tư pháp và UBND cấp xã, nhưng theo Luật Hộ tịch, thẩm quyền ghi vào sổ hộ tịch lại thuộc UBND cấp huyện.


Bộ luật Dân sự quy định tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không dùng số, ký tự không phải chữ. Theo Nghị định số 123, họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo pháp luật dân sự. Nhưng cha hoặc mẹ là người nước ngoài lại thường yêu cầu đặt tên nước ngoài ghép với tên Việt cho con; pháp luật lại chưa hướng dẫn cụ thể về tên tiếng Việt.


Ông Đặng Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, thời gian qua, Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan đăng ký hộ tịch giải quyết. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ở tỉnh được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, quá trình áp dụng cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Vì vậy, sở đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa Luật Hộ tịch và các bộ luật, luật khác, đồng thời kiến nghị Bộ Y tế sớm quy định việc cấp giấy chứng sinh, giấy chứng tử.


NGUYỄN VŨ