11:01, 30/01/2019

Quà Tết của mẹ Năm

Tết năm nay, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Năm bước sang tuổi 99. Trước Tết 2 tháng, các anh chị Bộ đội Biên phòng tỉnh - đơn vị nhận phụng dưỡng đã hỏi ý mẹ để chọn món quà Tết thật ý nghĩa. Nhưng mẹ Năm bảo, chỉ cần có nhiều con tới chơi là Tết vui nhất rồi. 

Tết năm nay, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Năm bước sang tuổi 99. Trước Tết 2 tháng, các anh chị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh - đơn vị nhận phụng dưỡng đã hỏi ý mẹ để chọn món quà Tết thật ý nghĩa. Nhưng mẹ Năm bảo, chỉ cần có nhiều con tới chơi là Tết vui nhất rồi.   


Nghe tiếng các con BĐBP tỉnh tới chúc Tết, từ trên gác xép, mẹ vui mừng luýnh quýnh bám chặt tay vịn cầu thang bước xuống. Siết chặt bàn tay Thượng tá Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, mẹ cười hồn hậu: “Mẹ xem ti vi, thấy bộ đội tích cực giúp dân chống lụt, xúc động lắm!”. Rồi mẹ rờ vai từng người, rộn ràng hỏi thăm chuyện công tác, chuyện học hành của con cái, sắm sanh ngày Tết... Những câu chuyện ríu rít trong căn nhà nhỏ ấm áp. Không khí thân thuộc như thể các con một nhà về chúc Tết khiến ánh mắt mẹ Năm luôn rạng ngời.

 

Bộ đội Biên phòng tỉnh chúc Tết mẹ Năm và gia đình.

Bộ đội Biên phòng tỉnh chúc Tết mẹ Năm và gia đình.


“2 năm qua, từ khi các anh chị BĐBP tỉnh nhận phụng dưỡng, mẹ vui nhiều lắm. Trong năm, hễ rảnh là các anh chị lại ghé thăm, trò chuyện với mẹ. Những lúc đó, mẹ mừng lắm, cứ giữ các anh chị ngồi thật lâu, ép ăn, uống thật nhiều. Vài tuần không thấy ai tới, mẹ lại nằn nì con  chở đến đơn vị thăm mấy anh chị. Cứ đến gần Tết, mẹ lại bồn chồn ngóng đợi. Mẹ bảo, càng đông con quây quần càng vui, đó là quà Tết mẹ quý nhất”, chị Nguyễn Thị Yên, con gái mẹ Năm cho biết.


Tâm tư sum vầy con cháu ngày Tết là lẽ thường với người cao tuổi. Nhưng với mẹ Năm, cảm giác đó mãnh liệt hơn, bởi mẹ đã trải qua nhiều mất mát, hy sinh. Thời chiến, chồng đi làm cách mạng ở huyện Ba Tơ, mẹ ở huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) thường góp lúa gạo, thuốc men gửi lên chiến khu cho bộ đội. Rời Quảng Ngãi vào Khánh Hòa, gia đình mẹ Năm tiếp tục kết nối với tổ chức, nuôi giấu cán bộ và tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội. Bị địch nghi ngờ tra khảo, mẹ cắn răng chịu đựng, trước sau “không thấy”, “không biết”, đến khi địch buộc phải thả vì không có bằng chứng. Nối tiếp ý chí cách mạng kiên cường của cha mẹ, đến tuổi thành niên, lần lượt các anh: Nguyễn Lưu Sách, Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Văn Hiền thoát ly theo kháng chiến. Trận chiến Tết Mậu Thân 1968, anh Sách ngã xuống ở chiến trường Vạn Ninh. Anh Hậu cũng nằm lại bên bờ sông Dinh (Ninh Hòa) cách ngày thống nhất đất nước chừng nửa tháng; chỉ còn anh Hiền về với mẹ.  


Chị Yên chia sẻ, thương 2 con hy sinh chưa từng biết đến cái Tết hòa bình, cứ đến tháng Chạp, mẹ lại mua nếp, đậu xanh, lá, dây lạt, tự tay rửa lá, gói bánh tét. Xếp bánh vào nồi, mẹ lại thầm gọi tên anh Sách, anh Hậu về cùng chụm củi nấu bánh. Mấy Tết gần đây, mẹ yếu đi, không tự làm được, nhưng vẫn nhớ nhắc con lo luộc bánh tét, hầm măng, làm gà… 2 năm vừa qua, cùng với 2 con trai và 3 con gái, mẹ còn có thêm các con BĐBP tỉnh nên vui lắm. Những giỏ quà Tết của BĐBP tỉnh mừng tuổi, mẹ đều đặt trang trọng lên bàn thờ 2 con liệt sĩ, như để báo cho các anh biết giờ đây, Tết nào mẹ cũng vui vẻ, đủ đầy, đông con đông cháu...


“Má như được tiếp thêm niềm vui để khỏe, trẻ hơn vậy. Đang mệt, hễ nghe bộ đội tới thăm, má dậy ngay, phấn chấn hẳn”, chị Yên nói. Thượng tá Phạm Mạnh Hùng cũng đồng tình: “Anh em BĐBP tỉnh thường xuyên tới thăm mẹ Năm với mong muốn bù đắp phần nào cho mẹ, để mẹ được đón những cái Tết sum vầy, ấm áp. Đó chính là đạo lý uống nước nhớ nguồn, cũng là món quà Tết mà mẹ mong nhất”.


NGUYỄN VŨ