Năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vươn lên, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Năm qua, các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn tỉnh vươn lên, từng bước xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Năm 2018, từ chính sách hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ, thoát nghèo bền vững, gia đình ông Cao Hồng Ngát - thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn được vay 10 triệu đồng đầu tư nuôi con dúi. Ban đầu, ông chỉ nuôi thử nghiệm 5 con. Nhận thấy con dúi thích nghi với điều kiện nuôi nhốt, ông đã đầu tư thêm 5 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua thêm dúi con về nuôi. Đến nay, ông đã phát triển đàn dúi được khoảng 40 con. “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng bắp, mì và nuôi ít heo, gà… Tuy cố gắng làm ăn nhưng kinh tế gia đình vẫn rất khó khăn. Qua tìm hiểu, tôi thấy con dúi có thể đem lại thu nhập cho gia đình nên mua giống về nuôi. Hiện nay, tuy dúi chưa cho thu nhập nhưng phát triển rất nhanh, một số con đã bắt đầu sinh sản. Cùng với đó, tôi mở thêm tiệm tạp hóa buôn bán nhỏ và sửa chữa xe. Hy vọng, thời gian tới, gia đình sẽ có thêm thu nhập từ con dúi nhằm vươn lên thoát nghèo”, ông Ngát nói.
Hiện nay, nhờ được vay vốn từ chính sách hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã đầu tư chăn nuôi bò, trồng bưởi da xanh, mía tím, chuối cho thu nhập ổn định như: gia đình ông Cao Ngọc Sanh (xã Sơn Bình); Cao Đen (xã Sơn Hiệp), Mấu Đận, Mấu Thị Tuyết (xã Ba Cụm Bắc)… Bà Cao Thị Hiền - Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn cho biết, năm 2018, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Khánh Sơn được cấp kinh phí gần 1 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo. Theo đó, toàn huyện có 80 hộ được hỗ trợ vay vốn (56 hộ nghèo và 24 hộ cận nghèo). Qua đó, đã xây dựng được 10 mô hình trồng trọt và chăn nuôi như: trồng mía tím, bưởi da xanh, sầu riêng, cà phê, chuối, chăn nuôi heo đen, bò, dúi…
Ngoài ra, từ Chương trình 135, trên địa bàn huyện có 5 xã và 4 thôn được hỗ trợ kinh phí 1,7 tỷ đồng, có hơn 150 hộ được vay thực hiện các mô hình sản xuất. Hiện nay, các mô hình phát triển tốt, một số hộ đã tái sản xuất, tái đàn cho thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống. Quan trọng hơn, các gia đình đã ý thức được nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ nên cố gắng làm ăn phát triển kinh tế.
Theo lãnh đạo huyện Cam Lâm, thực hiện chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống cho ĐBDTTS, trong năm, huyện đã tổ chức rà soát, cấp 3.358 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc miền núi, vùng ĐBDTTS. Đồng thời, hỗ trợ vốn cho 128 hộ với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng và cho 71 hộ vay vốn để nhân rộng các mô hình sản xuất. Ngoài ra, địa phương đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị giúp đỡ hộ gia đình gặp khó khăn với kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng; thực hiện khoan giếng cung cấp nước sinh hoạt cho ĐBDTTS xã Sơn Tân với kinh phí 500 triệu đồng. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp vùng ĐBDTTS…
Hàng chục tỷ đồng thực hiện các chương trình
Theo ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, Khánh Hòa là một trong các địa phương đã quan tâm thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi. Các địa phương, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân vùng DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống bằng nhiều hình thức như: tranh thủ nguồn vốn lồng ghép từ Chương trình 135; chương trình phát triển kinh tế - xã hội; chính sách đối với người có uy tín trong ĐBDTTS; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội… Tỉnh cũng triển khai đồng bộ các chương trình, dự án, tạo điều kiện hỗ trợ đồng bào vốn, cây, con giống để phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kiến thức sản xuất, từng bước giúp người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Năm 2018, các địa phương đã tổ chức 20 lớp tuyên truyền, tập huấn giáo dục pháp luật cho ĐBDTTS và miền núi. Tổng kinh phí thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi là 32,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ mô hình phát triển kinh tế hộ với số tiền hơn 4,5 tỷ đồng; công tác an sinh xã hội hơn 3,2 tỷ đồng; xây dựng 14 công trình hạ tầng với số tiền hơn 23,8 tỷ đồng. Riêng Chương trình 135, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng 38 công trình cơ sở hạ tầng với số tiền hơn 7,7 tỷ đồng..
.
Tại hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2018, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, năm 2018, ngân hàng đã giải ngân cho 536 hộ ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh vay vốn phát triển kinh tế gia đình với số tiền hơn 15,2 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Qua kiểm tra thực tế, các hộ đã sử dụng vốn đầu tư phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị cao và bước đầu đã phát huy hiệu quả.
C.Vân