Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa ban hành chỉ thị về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.
Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình vừa ban hành chỉ thị về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.
Hiện nay, khiếu kiện hành chính có chiều hướng ngày càng gia tăng, các tòa án đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng và bảo đảm tiến độ giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Tuy nhiên, việc giải quyết loại án này của các tòa án trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế: tồn đọng lớn, thời gian giải quyết kéo dài, tỷ lệ giải quyết án thấp, tỷ lệ hủy sửa cao. Thực trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, cũng có những nguyên nhân chủ quan như: một số thẩm phán còn có biểu hiện nể nang, ngại va chạm với cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã có quyết định hoặc có hành vi hành chính bị khởi kiện; một số thẩm phán chưa làm hết trách nhiệm trong thu thập, xác minh chứng cứ hoặc có sai lầm trong đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật… Đây là những vấn đề thuộc trách nhiệm của tòa án.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội để khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính, Chánh án TAND Tối cao yêu cầu:
l Đối với Chánh án TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: khẩn trương đề xuất với Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh, thành phố tổ chức làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND các tỉnh, thành phố thống nhất ký Quy chế phối hợp công tác để tăng cường trách nhiệm, tạo điều kiện hỗ trợ các bên thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật; trong đó việc phối hợp trên cơ sở tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội dung quy chế phải ghi rõ trách nhiệm của UBND và tòa án cùng cấp trong các hoạt động sau: phối hợp trong việc cung cấp thông tin, tài liệu cho người dân và tòa án phục vụ cho việc giải quyết vụ án; phối hợp trong việc tổ chức đối thoại giữa chính quyền và người dân; phối hợp trong việc tổ chức xét xử các vụ án hành chính; trách nhiệm thông báo thời gian, địa điểm phân công cán bộ tham gia phiên tòa theo đúng quy định pháp luật; phối hợp trong việc thực hiện các kiến nghị của tòa án, công tác thi hành các bản án hành chính… Những đơn vị đã ký quy chế phối hợp nhưng nội dung chưa đầy đủ thì sửa đổi để ký kết. Tất cả đơn vị hoàn thành nhiệm vụ này trong tháng 12-2018.
l Đối với TAND cấp cao, cấp tỉnh và huyện: tiếp tục quán triệt và yêu cầu thẩm phán trong đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan đến việc giải quyết các vụ án hành chính; tăng cường thường xuyên nghiên cứu, nâng cao học tập để cập nhật, nắm chắc các quy định của pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường thẩm phán có năng lực để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính…
Các TAND cấp cao khẩn trương xây dựng kế hoạch xét xử phúc thẩm các vụ án hành chính tại địa phương, công bố lịch xét xử công khai để tạo điều kiện cho người dân và đại diện UBND, người được Chủ tịch UBND ủy quyền thuận lợi khi tham gia tố tụng;
Đẩy mạnh công tác đối thoại trong giải quyết án hành chính; tăng cường tranh tụng tại phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng xét xử; hạn chế thấp nhất các bản án quyết định, hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của thẩm phán. Có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục triệt để những tồn tại, vi phạm trong giải quyết vụ án hành chính, như: việc để các vụ án quá hạn do lỗi chủ quan; việc tuyên án không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án, vi phạm thời hạn gửi văn bản tố tụng cho các cơ quan, tổ chức và các cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật tố tụng. Tổ chức thực hiện tốt Bộ quy tắc và ứng xử của thẩm phán; khắc phục có hiệu quả việc ngại va chạm trong xét xử án hành chính để thực hiện nguyên tắc: “Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
ĐẠI HƯNG