09:12, 18/12/2018

Chương trình Sữa học đường: Trẻ miền núi bớt suy dinh dưỡng

Cùng với chế độ ăn trưa tại trường dành cho trẻ dân tộc thiểu số được tỉnh hỗ trợ, việc triển khai chương trình Sữa học đường thời gian qua đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở 2 huyện miền núi.

Cùng với chế độ ăn trưa tại trường dành cho trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) được tỉnh hỗ trợ, việc triển khai chương trình Sữa học đường thời gian qua đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở 2 huyện miền núi.


Trẻ tăng cân, đi học chuyên cần


Với 153 học sinh, trong đó có 139 học sinh người DTTS, Trường Mầm non A Xây (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) hàng năm đều có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng khá cao. Cô Nguyễn Thị Hồng Lam - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài chế độ ăn trưa cho trẻ được tỉnh hỗ trợ, các cháu còn cần thêm nhiều nguồn dinh dưỡng để tăng cường thể lực. Chương trình Sữa học đường được triển khai từ đầu năm học 2017 - 2018 đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng từ hơn 20% xuống còn 10% vào cuối năm. Chị Cao Thị Diễm - phụ huynh cháu Cao Đắc Duy, lớp 3 - 4 tuổi chia sẻ: “Con tôi được uống sữa miễn phí hoàn toàn. Thời gian qua, tôi thấy con tăng cân rất tốt. Mong rằng chương trình sẽ hỗ trợ lâu dài cho các cháu vùng miền núi khó khăn”.

 

Cho trẻ uống sữa tại Trường Mầm non A Xây, huyện Khánh Vĩnh.

Cho trẻ uống sữa tại Trường Mầm non A Xây, huyện Khánh Vĩnh.


Cô Lê Thị Thương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh) cho biết, trường có hơn 85% học sinh là con em đồng bào DTTS. Ban đầu một số phụ huynh chưa tin tưởng vào chương trình Sữa học đường, nhưng sau hơn 1 năm trẻ uống sữa tại trường, phụ huynh đã hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Hồng Vân - phụ huynh cháu Ngô Hòa Bình, lớp mẫu giáo 3 - 4 tuổi cho biết: “Tôi thấy cháu tăng cân tốt hơn sau thời gian uống sữa, nhà trường cũng cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng sữa. Nhờ được hỗ trợ nên mỗi tháng tôi chỉ phải đóng chưa tới 30.000 đồng. Hy vọng chương trình sẽ miễn giảm hoàn toàn cho khu vực miền núi”.


Do đặc điểm sinh lý, thể chất và đời sống kinh tế thiếu thốn nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng tại huyện Khánh Sơn cũng rất cao, chiếm tới 29 - 35% tùy từng độ tuổi, thậm chí có nhiều xã hơn 50%. Sau một thời gian chương trình Sữa học đường được triển khai tại 9 trường mầm non trong toàn huyện, tỷ lệ này giảm còn 13 đến 26%. Tỷ lệ chuyên cần của trẻ cũng ngày càng cao, công tác vận động đến trường của giáo viên bớt đi nhiều vất vả.

Tiếp tục tuyên truyền về nâng cao dinh dưỡng


Theo ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, việc chọn nhà cung cấp sữa được thực hiện thông qua đấu thầu. Hiện nay, chương trình Sữa học đường áp dụng cho trẻ nhà trẻ (từ 12 đến 36 tháng) và mẫu giáo (từ 3 đến 6 tuổi) đang theo học tại các trường mầm non, mẫu giáo thuộc 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Trẻ được uống sữa 9 tháng trong 1 năm học, bắt đầu từ tháng 9-2017 đến tháng 12-2020. Trẻ nhà trẻ được uống 5 lần/tuần, mỗi lần 1 hộp sữa tươi loại 110ml. Trẻ mẫu giáo được uống 3 lần/tuần, mỗi lần 1 hộp sữa tươi 180ml. Trẻ em là con gia đình DTTS, gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo được miễn phí hoàn toàn, trong đó ngân sách hỗ trợ 80%, đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ 20%. Trẻ không thuộc diện chính sách thì gia đình góp 30%, còn lại ngân sách hỗ trợ 50%, đơn vị cung cấp sữa hỗ trợ 20%.


Tuy đã có những kết quả bước đầu, song theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ người DTTS cần phải thực hiện trong thời gian dài. Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền giáo dục dinh dưỡng và sức khỏe trong các cơ sở giáo dục mầm non, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ trong khâu giám sát quá trình thực hiện chương trình Sữa học đường và theo dõi thường xuyên về chất lượng sữa. Mặt khác, tham mưu UBND tỉnh kế hoạch mở rộng chương trình này đến các huyện, thị xã, thành phố còn lại.


T.VIỆT

 




Năm học 2017 - 2018, tổng kinh phí thực hiện chương trình Sữa học đường tại 2 huyện miền núi của tỉnh gần 3,7 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách hỗ trợ 2,7 tỷ đồng, công ty sữa hỗ trợ gần 739 triệu đồng, phụ huynh đóng góp 252 triệu đồng.

 

_______________________________________________

 

Hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh có tổng cộng 26 trường mầm non với tổng số trẻ huy động ra lớp là 5.014/7.924 trẻ. Cụ thể, độ tuổi nhà trẻ đạt 736/3.270 trẻ, chiếm 22,5%, trong đó trẻ DTTS 417 trẻ. Độ tuổi mẫu giáo đạt 4.278/4.654 trẻ, tỷ lệ 91,9%, trong đó trẻ DTTS 3.291 trẻ. Đề án Cải thiện dinh dưỡng góp phần phát triển thể lực, tầm vóc người Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020 của UBND tỉnh phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, trong đó suy dinh dưỡng thể thấp còi còn dưới 20%, thể nhẹ cân dưới 7%.