Sáng 6-12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra phiên chất vấn. Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến những hạn chế trong lĩnh vực quản lý xây dựng, nhất là tình trạng xây dựng trái phép, sai phép trên địa bàn TP. Nha Trang.
Sáng 6-12, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra phiên chất vấn. Các đại biểu đặc biệt quan tâm đến những hạn chế trong lĩnh vực quản lý xây dựng, nhất là tình trạng xây dựng trái phép, sai phép trên địa bàn TP. Nha Trang. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại việc du lịch phát triển thiếu bền vững, cơ cấu khách quốc tế mất cân đối nghiêm trọng; tình trạng ùn tắc giao thông chưa được giải quyết dứt điểm…
Cần sớm tháo dỡ bức tường đe dọa mạng sống người dân
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thúy Quỳnh đặt câu hỏi về trách nhiệm của ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng khi để dự án Marina Hill (Công ty TNHH Đồi Xanh làm chủ đầu tư) tại thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang có nhiều sai phạm như: thay đổi, lấn đất ngoài mốc dự án được phê duyệt; tự ý thay đổi kết cấu tường chắn, điều chỉnh độ cao tường chắn giáp ranh với đường dân sinh gây sạt lở, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Liên quan vấn đề trên, ông Lê Văn Dẽ cho biết: “Dự án đã được cấp giấy phép xây dựng phần hạ tầng từ tháng 10-2017. Tuy nhiên, chủ đầu tư thi công không đúng giấy phép được cấp. Vấn đề này, Sở Xây dựng phát hiện từ lâu. Đến nay, Sở Xây dựng đã 11 lần kiểm tra, xử phạt dự án Marina Hill, trong đó tôi trực tiếp kiểm tra, xử lý 8 lần”. Về giải pháp xử lý những vi phạm ở dự án Marina Hill, ông Dẽ cho biết, trước mắt sở đã phối hợp với TP. Nha Trang vận động 18 hộ di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, sở yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ bức tường xây dựng sai phép; nếu không thực hiện, sẽ thu hồi giấy phép xây dựng đã được cấp; sau 15 ngày có quyết định thu hồi, nếu chủ đầu tư không nộp lại giấy phép thì sẽ hủy giấy phép xây dựng.
Ngay sau phần trả lời của ông Dẽ, ông Phan Thông - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đặt vấn đề: Giám đốc Sở Xây dựng trực tiếp đi kiểm tra 8 lần sao vẫn để bức tường đe dọa mạng sống của người dân tồn tại đến nay?. Bây giờ, sở có xử lý dứt điểm được không, hay lại phạt rồi để “tồn tại”. Ông Lê Văn Dẽ khẳng định: “Chủ đầu tư không thực hiện đúng phương án, không đúng ranh giới được cho phép. Thế nên, không có lý do gì để cho mảng tường này tồn tại. Sau ngày 6-12, nếu chủ đầu tư không tháo dỡ, sở sẽ thực hiện việc cưỡng chế tháo dỡ và chủ đầu tư phải chịu kinh phí của việc tháo dỡ”.
Đề cập vấn đề trên, ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, Sở Xây dựng đã thiếu quyết liệt trong việc xử lý sai phạm ở dự án Marina Hill. Sở Xây dựng báo cáo là từ ngày 19-9 đã xử phạt, yêu cầu trả nguyên hiện trạng nhưng đến nay bức tường vẫn lừng lững ở đó. Với những tình huống nguy cấp ảnh hưởng đến tính mạng con người, sở phải thực hiện ngay chứ không thể làm theo quy trình, trông chờ vào ý thức chấp hành của doanh nghiệp.
Nhiều câu hỏi xoay quanh dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú
Liên quan đến vụ sạt lở sáng 18-11 ở tổ dân phố Hòa Tây, phường Vĩnh Hòa khiến 4 người chết, gần 10 căn nhà bị sập, đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh đặt vấn đề: Nguyên nhân của việc sạt lở là do vỡ hồ bơi vô cực tại dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thanh Châu? Ông Lê Văn Dẽ khẳng định, không có hồ vô cực nào được xây dựng tại dự án này. Qua kiểm tra cho thấy, chủ đầu tư đào hố thu gom nước, làm mương đón nước từ sườn núi xuống, rồi lắp đặt đường ống chảy xuống mương nước dọc theo đường 2-4. Tuy nhiên, lượng mưa lớn cộng với đường ống có đường kính 0,5 - 0,6m không đủ để thoát nước dẫn đến nước phá vỡ bờ bao hố thu nước, tạo dòng chảy gây sạt lở.
Ngay sau đó, ông Lê Xuân Thân đặt tiếp câu hỏi: “Trong quy hoạch của dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú có hồ bơi vô cực hay không? Việc đặt ống nước có xin phép hay không?”. Ông Lê Văn Dẽ cho biết, trong quy hoạch điều chỉnh năm 2017 ở đây là khu dịch vụ, trong đó có hồ bơi diện tích khoảng 300m2. Tuy nhiên, một lần nữa ông Dẽ khẳng định chủ đầu tư chưa thi công hồ bơi, ở đây là hồ thu gom nước. Việc chủ đầu tư đào rãnh để lấy đất là sai, không tuân thủ theo quy hoạch bản vẽ san nền (lấy đất chỗ cao lấp chỗ thấp). Trước đợt mưa lũ ngày 18-11, sở đã ban hành văn bản chỉ đạo chủ đầu tư các dự án có nguy cơ sạt lở, bố trí con người và phương tiện trực 24/24 giờ để xử lý khi có sự cố, tuy nhiên nhà đầu tư dự án Hoàng Phú đã chủ quan không thực hiện. “Nếu chủ đầu tư bố trí người và phương tiện như chỉ đạo của sở, khi thấy hồ gom đầy nước, theo dõi nắn dòng chảy thì không có sự cố đau lòng trên. Trách nhiệm để xảy ra sự cố thuộc về chủ đầu tư. Toàn bộ hiện trạng đang được giữ nguyên, cơ quan công an đang điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Dẽ nói.
Một số đại biểu đặt câu hỏi, dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú có nhiều hạng mục chưa có giấy phép xây dựng nhưng vẫn được tiến hành, tại sao cơ quan chức năng không kiểm tra, phát hiện? Vấn đề này, ông Dẽ cho biết, theo quy định, các công trình nhà ở thuộc dự án nhà ở, khu đô thị có quy mô dưới 7 tầng, diện tích dưới 500m2 không phải xin giấy phép xây dựng, còn lại các hạng mục khác phải xin giấy phép xây dựng. Khi chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, Sở Xây dựng đã hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện theo các quy định mới, tuy nhiên chủ đầu tư không thực hiện. Ở đây, Sở Xây dựng có thiếu sót là thiếu kiểm tra đôn đốc, xử lý…
Đại biểu Nguyễn Ngô đặt vấn đề: Dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú được phê duyệt quy hoạch lần đầu vào năm 2011, sau đó có thêm 3 lần điều chỉnh quy hoạch nhưng lại không tuân theo Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang, có cảm giác như thích gì thì điều chỉnh đó. Liên quan vấn đề này, ông Dẽ cho biết: Dự án này được phê duyệt năm 2011, trước khi Quy hoạch chung của Nha Trang được Thủ tướng phê duyệt (năm 2012). Việc điều chỉnh quy hoạch sau này là điều chỉnh cục bộ nên không cần phải đối chiếu với Quy hoạch chung của TP. Nha Trang. Ông Phan Thông không đồng ý với quan điểm này và cho rằng, kể cả điều chỉnh cục bộ cũng cần phải căn cứ Quy hoạch TP. Nha Trang để hợp lý hơn. Sở Xây dựng cần phải rút kinh nghiệm về vấn đề này.
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hoàng Diệp đặt vấn đề trách nhiệm của Giám đốc Sở Xây dựng trong việc để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trái phép tràn lan trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là TP. Nha Trang. Ông Lê Văn Dẽ cho rằng, lực lượng tranh tra của sở không đủ sức xử lý vi phạm về xây dựng trên địa bàn tỉnh. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định phối hợp, phân cấp quản lý về lĩnh vực xây dựng. Trong đó, có ghi rõ cơ quan nào có trách nhiệm cấp giấy phép thì phải chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý. Theo đó, ông Dẽ khẳng định việc để xảy ra xây dựng nhà ở không phép, hình thành nên các khu dân cư tự phát trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền, cơ quan chức năng cấp huyện.
Kết thúc phần trả lời, ông Lê Văn Dẽ xin nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót mà các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu. Thời gian tới, sở sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương để rà soát quản lý chặt chẽ hơn. Ông cũng đề nghị chính quyền địa phương cần kiểm tra lại các văn bản pháp lý, phối hợp với sở để quản lý tốt lĩnh vực xây dựng.
XUÂN THÀNH
______________________________________________________________________
Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh: Sẽ xem xét, xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ
Đối với các dự án chậm tiến độ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành kiểm ra, rà soát các dự án để xử lý thu hồi. Tuy nhiên, hiện nay có “độ vênh” về pháp luật nên quá trình xử lý các dự án chậm tiến độ gặp khó khăn, trong năm 2018 đã thu hồi 3 dự án chậm tiến độ và xử phạt 40 dự án.
Những vấn đề đại biểu HĐND tỉnh, cử tri dành nhiều sự quan tâm như: vấn đề cấp phép xây dựng, hạ tầng chưa đồng bộ ở các khu đô thị, tình trạng sạt lở, ngập lụt cục bộ, chất lượng các công trình chưa đảm bảo… đều hết sức xác đáng. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề chỉ đạo điều hành chung, trong đó có sự chỉ đạo điều hành đối với các sở chuyên ngành, UBND các địa phương nên dẫn đến những tồn tại, thiếu sót trong thời gian qua.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, đặc biệt là Sở Xây dựng và UBND cấp huyện tiến hành rà soát lại các quy hoạch, xác định các quy hoạch chưa phù hợp để xử lý kịp thời, nâng cao trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật ở các khu vực quy hoạch chưa đồng bộ; nâng cao trách nhiệm của các dự án trong việc chấp hành pháp luật, đánh giá tác động môi trường… để phát triển theo hướng bền vững. Đặc biệt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo nghiêm việc thực thi pháp luật tại cơ sở, nhất là các lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng tuy đã quy định rất rõ nhưng việc xử lý chưa nghiêm dẫn đến nhiều chủ đầu tư, nhiều dự án coi thường pháp luật, coi thường kỷ cương, vi phạm nhưng không chấp hành việc xử lý… Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ trong những lĩnh vực này.