10:12, 03/12/2018

Đề xuất xây cầu nối bán đảo Bình Lập

Sở Giao thông vận tải vừa khảo sát vị trí sạt lở, trôi cống và đường trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 9 vừa qua khiến bán đảo Bình Lập (thôn Bình Lập, xã Cam Lập, TP. Cam Ranh) bị chia cắt với đất liền. Sở đã đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa xây cây cầu kiên cố tại vị trí này.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) vừa khảo sát vị trí sạt lở, trôi cống và đường trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 9 vừa qua khiến bán đảo Bình Lập (thôn Bình Lập, xã Cam Lập, TP. Cam Ranh) bị chia cắt với đất liền. Sở đã đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa xây cây cầu kiên cố tại vị trí này.


Đi lại khó khăn


Theo lãnh đạo UBND xã Cam Lập, đợt mưa lũ vừa qua khiến đoạn đường từ Quốc lộ 1 dẫn vào bán đảo Bình Lập bị vỡ một đoạn dài khoảng 50m. Đoạn bị vỡ chạy ngang qua con suối, ở dưới có một số cống hộp thoát nước. Hiện tại, khoảng 370 hộ dân ở thôn Bình Lập bị chia cắt với đất liền khiến việc đi lại rất khó khăn.

 

Ông Nguyễn Văn Kết - Chủ tịch UBND xã Cam Lập cho biết, đến nay, tình trạng bị chia cắt vẫn chưa được khắc phục. Trước mắt, UBND TP. Cam Ranh đã bố trí tuyến đò từ cảng Cam Ranh qua bán đảo Bình Lập để phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân, chủ yếu là những hộ ở đất liền có đìa nuôi tôm, cá ở Bình Lập. Tại thôn Bình Lập hiện có 2 điểm trường cấp I và cấp II của xã Cam Lập, giáo viên chủ yếu từ TP. Cam Ranh qua dạy nên việc đi lại bằng đò rất vất vả. Hiện nay, khoảng 370 hộ với gần 1.500 nhân khẩu ở thôn Bình Lập muốn qua đất liền phải đi lòng vòng rất khó khăn. Các khu du lịch Sao Biển, Ngọc Sương... nằm bên bán đảo Bình Lập cũng gặp khó vì du khách hủy tour, hủy phòng do đường đi bị chia cắt.

 

Đoạn sạt lở gây chia cắt 370 hộ ở bán đảo Bình Lập với đất liền.

Đoạn sạt lở gây chia cắt 370 hộ ở bán đảo Bình Lập với đất liền.

 

Đề nghị xây cầu kiên cố


Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, tuy thành phố đã điều động ghe đò phục vụ việc đi lại của người dân và giáo viên qua bán đảo Bình Lập, nhưng về lâu dài phải xây dựng một cây cầu kiên cố tại đây. Trong tuần tới, UBND TP. Cam Ranh sẽ cử đơn vị thi công cầu tạm cách vị trí sạt lở khoảng 100m. Cầu này sẽ đặt cống cho nước thoát qua, rải đá lên trên phục vụ nhu cầu đi lại (xe máy và đi bộ) trong khi chờ xây dựng cầu kiên cố.


Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, trước khi bị lũ cuốn trôi, đoạn này chỉ có một cống 3 khoang đặt trên nền đất. Hiện nay, nếu làm đường tạm để chờ xây cầu cũng không hề đơn giản bởi phải mượn đất của người dân, kinh phí tốn khoảng 5 tỷ đồng. Mới đây, Sở GTVT đã cùng đơn vị tư vấn đi khảo sát tại vị trí sạt lở. Sau khi khảo sát kỹ hai bên sạt lở, đơn vị tư vấn cho biết cần phải làm một cây cầu kiên cố dài khoảng 20m, đồng thời xây dựng lại đường hai đầu cầu. Dự kiến kinh phí xây dựng khoảng 15 tỷ đồng. Nếu UBND tỉnh đồng ý phương án xây cầu thì Sở GTVT sẽ tổ chức thiết kế, thi công hoàn thành trong vòng 3 tháng.


Trong cuộc họp mới đây của UBND tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng Sở GTVT cần đưa cầu phao dự phòng bắc qua đoạn sạt lở này để người dân đi qua. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GTVT cho biết đã khảo sát kỹ địa hình đoạn sạt lở chia cắt bán đảo Bình Lập. Từ mặt nước lên đến đường rất cao, đá lởm chởm, nếu có bố trí cầu phao cũng rất khó để đi lại.

Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, trước mắt, Sở GTVT phối hợp với UBND TP. Cam Ranh có các giải pháp tạm thời cho người dân đi lại. Về phương án xây dựng cầu kiên cố phải tính toán kỹ lưỡng, rà soát lại quy hoạch để tránh trùng dự án, lãng phí ngân sách.


VĂN KỲ