10:12, 02/12/2018

Can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật

Triển khai từ năm 2014, can thiệp sớm về giáo dục cho trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khó khăn nghe nói, rối loạn phổ tự kỷ, hành vi nói riêng tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ khuyết tật đã giúp cho nhiều trẻ có cơ hội học hòa nhập và hòa nhập tốt hơn.

Triển khai từ năm 2014, can thiệp sớm về giáo dục cho trẻ khuyết tật nói chung và trẻ khó khăn nghe nói, rối loạn phổ tự kỷ, hành vi nói riêng tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ khuyết tật (PHCN-GDTKT) đã giúp cho nhiều trẻ có cơ hội học hòa nhập và hòa nhập tốt hơn.


Gần 2 năm nay, chị Nguyễn Thị Mỹ Ly (xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh) vẫn đều đặn 3 lần/tuần, đưa con trai là bé Nguyễn Hoàng Trung Nghĩa (5 tuổi) đến Trung tâm PHCN-GDTKT để tập vật lý trị liệu. Bé Nghĩa vừa bị khó khăn vận động và rối loạn ngôn ngữ nên được các giáo viên trung tâm thực hiện can thiệp sớm. Được giáo dục theo chương trình riêng về cả y tế và giáo dục, bé Nghĩa đã tự bước đi với chiếc xe đẩy mà không cần sự giúp đỡ của người thân và giáo viên; có thể nói được một số từ đơn… “Nhìn con dần tiến bộ, gia đình tôi vui mừng khôn xiết, bởi trước khi đưa con đến trung tâm, gia đình tôi rất bế tắc, không biết đi đâu để chữa bệnh cho con”, chị Ly chia sẻ. Bé Nghĩa chỉ là 1 trong hơn 80 trẻ khuyết tật được can thiệp sớm tại trung tâm năm 2018.

 

Một trường hợp tham gia can thiệp sớm tại trung tâm.

Một trường hợp tham gia can thiệp sớm tại trung tâm.


Theo số liệu khảo sát của trung tâm, số trẻ khuyết tật từ 0 đến 6 tuổi trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm trong những năm gần đây, cụ thể năm 2016 là 719 trẻ, năm 2017 là 496 trẻ, năm 2018 là 390 trẻ. Tuy nhiên, số lượng trẻ có nhu cầu can thiệp sớm tại trung tâm lại tăng dần. Một số phụ huynh có con khuyết tật đã rất vất vả, tốn kém thời gian, tiền bạc đưa con đi hết nơi này đến nơi khác tìm thầy, thuốc, cách giáo dục, phục hồi chức năng với mong muốn có thể chữa trị cho trẻ lành bệnh. Có phụ huynh đã rơi vào tuyệt vọng, không biết làm gì để giúp trẻ. Từ khi Trung tâm PHCN-GDTKT triển khai can thiệp sớm, nhiều phụ huynh đã tìm đến để được tư vấn, hỗ trợ và đăng ký cho con tham gia, trong đó có một số trẻ khi được tiến hành can thiệp đã qua 6 tuổi.


Tại trung tâm, trẻ khuyết tật được can thiệp sớm theo 3 hình thức: can thiệp sớm tiết cá nhân, can thiệp sớm bán trú và tập vật lý trị liệu. Đối với trẻ khuyết tật vận động, khiếm thính, chậm phát triển, trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi, việc can thiệp sớm cùng với các chương trình giáo dục, y tế thích hợp cho nhu cầu cá nhân của từng trẻ sẽ là chìa khóa vàng, giúp con đường hòa nhập của trẻ rộng mở hơn. Tùy thuộc vào mức độ từng loại tật, trẻ được áp dụng những chương trình đã được cá thể hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập sau này. Lợi ích của can thiệp sớm không chỉ dừng lại với trẻ, gia đình mà còn mở rộng ra cả cộng đồng. Tại trung tâm hiện nay, hoạt động can thiệp sớm đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình thực hiện phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Bà Phan Thị Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm PHCN-GDTKT cho biết, trẻ được can thiệp sớm tại trung tâm theo tiết cá nhân được học hòa nhập ở trường mầm non, trường tiểu học nhiều nhất. Theo thống kê từ năm học 2013 - 2014 đến nay, đã có hơn 30 trẻ được trung tâm giới thiệu hoặc tư vấn học hòa nhập tại các trường tiểu học và mầm non sau khi hoặc đang can thiệp sớm tại trung tâm.


Tuy nhiên, công tác can thiệp sớm hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do một số cha mẹ của trẻ vẫn chưa nhận thức đúng đắn về trẻ khuyết tật và phương pháp can thiệp sớm. Nhiều trẻ khi đến trung tâm đã qua “giai đoạn vàng” nên vấn đề can thiệp gặp nhiều khó khăn hơn. Hiện nay, nhu cầu của cha mẹ có trẻ khuyết tật cần can thiệp sớm ngày càng cao. Trung tâm đã xây dựng, bố trí, trang bị các phòng can thiệp sớm để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số khó khăn về nhân sự, thời gian, đồ dùng luyện tập… Trong điều kiện đó, tập thể giáo viên, kỹ thuật viên, cán bộ, nhân viên của trung tâm vẫn nỗ lực với hy vọng sẽ có nhiều trẻ có cơ hội được học hòa nhập giống như những trẻ em bình thường khác. Tuy nhiên, điều này cũng cần có sự sẻ chia, hợp tác của gia đình và xã hội.


MAI HOÀNG