10 năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm. Đây là kết quả đáng mừng, cần phát huy trong thời gian tới.
10 năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm. Đây là kết quả đáng mừng, cần phát huy trong thời gian tới.
Nhiều đơn vị làm tốt
Bà Huỳnh Thị Hải - Trưởng nhóm Phòng, chống BLGĐ Tổ 9 Tháp Bà (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) cho biết, nhóm có 4 thành viên; 10 năm qua, nhóm luôn phối hợp chặt chẽ với tổ hòa giải và người dân trong tổ kịp thời phát hiện, ngăn chặn giải quyết tốt các trường hợp BLGĐ xảy ra trên địa bàn. Trong quá trình can thiệp, có những gia đình không hợp tác, phản ứng gay gắt, nhưng các thành viên trong nhóm không quản ngại khó khăn, luôn kiên trì vận động, giải thích nhiều lần, phân tích cho người trong cuộc thấy được cái sai để sửa chữa. Vì vậy, nhóm đã tiếp cận và giúp đỡ hơn 10 trường hợp bị BLGĐ và tất cả các trường hợp đều hòa giải thành công, giữ vững được mái ấm gia đình. “Phương châm của nhóm là luôn hướng về cộng đồng và dựa vào cộng đồng trong việc hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ. Đến nay, địa bàn Tổ 9 Tháp Bà đã thành lập được 4 địa chỉ tin cậy, 4 số điện thoại tin cậy tạo điều kiện cho người dân cung cấp thông tin và trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống BLGĐ. Nhờ vậy mà nhóm đã làm tốt công tác hòa giải, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình”, bà Hải nói.
Ông Nguyễn Như Dũng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững thôn Bình Thành (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) cũng cho hay, thôn Bình Thành có dân số khá đông với trên 680 hộ, là địa bàn tương đối phức tạp, nhất là về BLGĐ. Ngoài việc làm công tác thiện nguyện, giúp đỡ các gia đình nghèo, tuyên truyền pháp luật, văn hóa gia đình, 8 năm qua từ khi được thành lập, câu lạc bộ đã luôn phối hợp tốt với chính quyền trong công tác hòa giải BLGĐ trên địa bàn thôn. Qua đó đã can thiệp, xử lý và hòa giải thành 35 vụ BLGĐ. “Có những vụ BLGĐ rất khó, phải vận dụng kết hợp tâm lý tình cảm, truyền thống văn hóa, tập quán địa phương và nếp sống gia đình, kể cả việc đầu tư thời gian theo dõi, tìm hiểu tâm lý, tâm tư từng người trong gia đình thì mới hòa giải thành công.
Chuyển biến tích cực
Theo thống kê, 10 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 2.455 vụ BLGĐ. Điều đáng mừng là số vụ bạo lực có xu hướng giảm dần qua các năm, năm 2008 là 330 vụ, năm 2016 là 135 vụ, 6 tháng đầu năm 2018 chỉ có 69 vụ.
Đạt được kết quả như vậy là nhờ công tác xây dựng, ban hành, thực hiện các văn bản liên quan đến Luật Phòng, chống BLGĐ được quan tâm đúng mức; toàn tỉnh đã ban hành 281 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở làm tốt, nhất là tổ chức hội Phụ nữ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. 100% UBND cấp huyện và cấp xã đã xây dựng được ban chỉ đạo, quy chế hoạt động và có kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ hàng năm. Các mô hình phòng, chống BLGĐ ở cơ sở cũng được duy trì và hoạt động có hiệu quả…
Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.059 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 1.059 nhóm phòng, chống BLGĐ, 2.599 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Trong đó đã xuất hiện nhiều tập thể, gương điển hình tiên tiến có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống BLGĐ. |
Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống BLGĐ còn thiếu, yếu về năng lực chuyên môn, kinh phí dành cho các hoạt động tuyên truyền còn hạn chế. Tổng kinh phí dành cho lĩnh vực gia đình, trong đó có phòng, chống BLGĐ 10 năm qua chỉ gần 7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số phong tục tập quán còn lạc hậu, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp nên số vụ BLGĐ vẫn còn cao, công tác tuyên truyền gặp khó khăn.
Ông Cao Thắng - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững thôn Cô Lắc (xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) cho biết, 10 trường hợp BLGĐ xảy ra trên địa bàn thôn đa phần là chồng bạo hành vợ, chủ yếu là hành vi bạo lực thể chất, người chồng không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, bản thân người vợ cũng không hiểu biết và cam chịu, bao che cho chồng vì sợ xấu hổ với hàng xóm. Vì vậy, những năm qua, mặc dù câu lạc bộ đã tuyên truyền, can thiệp, vận động sớm nhưng số vụ giảm ít…
Ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phòng, chống BLGĐ gắn với vấn đề bình đẳng giới bằng các thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu, đội ngũ cán bộ, đảng viên, trí thức phải gương mẫu thực hiện để quần chúng noi theo, phòng ngừa là chính. Nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm phải xử lý nghiêm để răn đe. Ngoài ra, cần quan tâm kiện toàn bộ máy, bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống BLGĐ, tạo điều kiện nhân rộng các mô hình hiệu quả ở cơ sở. Đặc biệt, phải chú trọng thực hiện tuyên truyền, giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống BLGĐ ở các vùng khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo để phòng tránh các nguyên nhân BLGĐ do khó khăn kinh tế gây ra…
M.T