10:10, 29/10/2018

Phòng tránh tai nạn bom mìn: Vì bình yên cuộc sống

Khánh Hòa là tỉnh có lượng bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh khá lớn. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn tâm lý chủ quan nên đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Do đó, việc tuyên truyền về vấn đề này là hết sức cần thiết.

Khánh Hòa là tỉnh có lượng bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh khá lớn. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn tâm lý chủ quan nên đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Do đó, việc tuyên truyền về vấn đề này là hết sức cần thiết.


2/3 diện tích còn bom mìn


Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Quân sự (BCHQS) tỉnh và Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, số liệu thống kê thông qua khảo sát mật độ ô nhiễm bom mìn trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 1 cho thấy, Khánh Hòa hiện có mật độ ô nhiễm bom mìn chiếm đến 2/3 diện tích trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là một mối nguy lớn, ảnh hưởng nặng nề về phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong việc khắc phục hậu quả do bom mìn gây ra đối với người dân.

 

Đông đảo học sinh và người dân đến nghe tuyên truyền tại Nhà thi đấu đa năng xã Cam Thành Nam.

Đông đảo học sinh và người dân đến nghe tuyên truyền tại Nhà thi đấu đa năng xã Cam Thành Nam.


Thời gian qua, BCHQS tỉnh đã xử lý một lượng tương đối lớn bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh ở các địa phương trong tỉnh; đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức phòng tránh tai nạn do mối nguy hại này gây ra. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, hoặc các đối tượng như: học sinh có độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi; những người mưu sinh bằng nghề tìm kiếm, đào bới, thu gom phế liệu; nông dân làm trên nương rẫy... thường gặp phải bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, nhưng thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc xử lý nên đã xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Trong đó, từ năm 2011 đến 2017, trên địa bàn TP. Cam Ranh và huyện Khánh Sơn xảy ra 3 vụ tai nạn do bom mìn sót lại sau chiến tranh làm 7 người thiệt mạng.


Cần quan tâm tuyên truyền


Từ thực trạng trên, việc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam phối hợp với BCHQS tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn ở TP. Cam Ranh và huyện Khánh Sơn để nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong nhận biết và phòng tránh tai nạn do bom mìn sót lại sau chiến tranh.


Cùng 230 học sinh đến Nhà thi đấu đa năng xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh tham gia đêm giao lưu văn nghệ “Vì bình yên cuộc sống”, cô Bùi Thị Phượng - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Phan Chu Trinh cho biết: “Các học sinh đến đây được xem các bức ảnh, những tiểu phẩm sân khấu và nghe các chú bộ đội trực tiếp hướng dẫn về cách nhận biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn cũng như sơ cứu người bị tai nạn do bom mìn. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao ý thức, cũng như trang bị cho các em các kiến thức, kỹ năng để nhận biết và phòng tránh tai nạn khi gặp phải bom mìn, để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh”.


Em Đỗ Minh Khanh - lớp 9 Trường THCS Phan Chu Trinh chia sẻ: “Nghe các chú bộ đội nói những người làm nương rẫy cũng dễ gặp phải bom mìn nên em cũng thấy hơi lo lắng vì ba mẹ em làm nông, bản thân em cũng thường phụ giúp ba mẹ làm rẫy. Được tham gia chương trình tuyên truyền này, em đã có thêm hiểu biết về cách nhận biết một số loại bom mìn và cách phòng tránh tai nạn. Em cầm tờ rơi này về nhà để dễ truyền đạt lại cho người thân trong việc phòng tránh tai nạn khi gặp phải bom mìn trong quá trình lao động”.


Theo Trung tá Hoàng Sông Hồng - Chính trị viên Ban CHQS huyện Khánh Sơn, trong 2 cuộc kháng chiến, Khánh Sơn là căn cứ địa cách mạng, bị địch tập trung đánh phá nên hiện nay, đây là địa bàn có mức độ ô nhiễm bom mìn rất lớn. Nhưng nhìn chung, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan; mặt khác, trên địa bàn huyện đang có xu hướng làm nông nghiệp quy mô lớn, dùng máy móc để khai phá đất đai nhưng lại không thuê đơn vị chức năng rà phá bom mìn trước nên rất dễ gặp phải nguy hiểm do bom mìn còn sót lại. Chính vì thế, đây là đợt tuyên truyền có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân trong việc phòng tránh tai nạn do bom mìn gây ra.


Đại tá Đặng Văn Đồng - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết: “Thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh có mật độ ô nhiễm bom mìn cao, trong đó có Khánh Hòa, để tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho nhân dân về cách nhận biết, cách phòng tránh tai nạn bom mìn. Đây là cơ sở để thời gian tới chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành của tỉnh tuyên truyền nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất việc bị tai nạn do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh”.


VIỆT BẮC