Nghị định 115/2018 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thay thế NĐ 178/201 có hiệu lực từ ngày 20-10. Ông Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết:
Nghị định (NĐ) 115/2018 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) thay thế NĐ 178/201 có hiệu lực từ ngày 20-10. Ông Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết:
- Điểm mới của NĐ 115 quy định chỉ một hình thức xử phạt chính là phạt tiền, bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo. Về mức xử phạt cao hơn so với NĐ cũ, gấp 2 - 3 lần, có hành vi tăng gấp 10 lần. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, NĐ 115 quy định 7 hành vi xử phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm (gấp 7 lần giá trị hàng hóa), không giới hạn bởi mức phạt tiền tối đa nêu trên. Đồng thời, 1 cơ sở vi phạm nhiều hành vi sẽ bị xử phạt cùng lúc các hành vi vi phạm.
- Được biết, NĐ 115 có bổ sung nhiều quy định mới về nội dung xử phạt, ông có thể cho biết cụ thể?
- NĐ 115 bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi che giấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố ATTP hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về ATTP (mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng). NĐ cũng bổ sung thêm các hình phạt: tước giấy sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, buộc thu hồi Bản tự công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm… Đối với các cơ quan nhà nước, quy định trách nhiệm tổ chức việc thực hiện hậu kiểm về ATTP thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP của các bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý theo quy định.
- Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là thức ăn đường phố có những thay đổi gì so với NĐ cũ, thưa ông?
- Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bỏ quy định xử phạt hành vi không kiểm nghiệm định kỳ nguồn nước dùng để chế biến thực phẩm mà chỉ xử phạt hành vi “sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không đảm bảo vệ sinh theo quy định của pháp luật tương ứng để chế biến thức ăn, vệ sinh trang thiết bị dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống”. Ở loại hình kinh doanh thức ăn đường phố, NĐ 115 quy định các mức xử phạt cao hơn so với NĐ cũ. Đáng lưu ý nhất, đó là quy định mức xử phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm chín, thức ăn ngay (tăng gần gấp đôi so với NĐ cũ).
- Thưa ông, để NĐ 115 đi vào cuộc sống, mang tính khả thi cao, ngành Y tế đã có những hoạt động gì?
- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan chủ động triển khai NĐ 115. Đối với các cơ sở y tế, sở đã yêu cầu các đơn vị trong quá trình thực hiện kế hoạch kiểm tra năm lồng ghép tuyên truyền nội dung của NĐ 115 cho các cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm, đặc biệt là đối với những người kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời, tiến hành xử phạt nghiêm những cơ sở cố tình vi phạm. Dự kiến cuối tuần sau, Sở Y tế sẽ tổ chức lớp tập huấn về NĐ 15 cho đơn vị y tế ở các huyện, thị xã, thành phố.
- Xin cảm ơn ông!
Thảo Ly (Thực hiện)