10:08, 27/08/2018

Cam Lâm: Cần có giải pháp ngăn chặn nạn tảo hôn

Những năm qua, tuy huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã có nhiều cố gắng trong thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn còn xảy ra, kéo theo những hệ lụy cho gia đình và xã hội.

 

Những năm qua, tuy huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã có nhiều cố gắng trong thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn còn xảy ra, kéo theo những hệ lụy cho gia đình và xã hội.


Kết hôn ở tuổi vị thành niên


Huyện Cam Lâm có 14 xã, thị trấn. Tình trạng tảo hôn trên địa bàn tăng dần từng năm. Theo thống kê của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện, năm 2015, toàn huyện có 11 trường hợp tảo hôn, năm 2016 tăng 13 trường hợp, đến năm 2017 tăng lên 20 trường hợp. 6 tháng đầu năm 2018, đã xảy ra 9 trường hợp. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở những xã có người dân tộc thiểu số sinh sống như: Sơn Tân, Cam Phước Tây, Cam Hòa…

 

Cán bộ dân số tuyên truyền kiến thức về kế hoạch hóa gia đình tại nhà em Dịnh.

Cán bộ dân số tuyên truyền kiến thức về kế hoạch hóa gia đình tại nhà em Dịnh.


Dù vẫn còn đi học nhưng Mấu Thị Thu Dịnh (sinh năm 2000, ở thôn Valy, xã Sơn Tân) đã bỏ học để đi lấy chồng ở tuổi 17 và có con nhỏ hơn 3 tháng tuổi. “Cán bộ dân số đến tận nhà tuyên truyền, vận động em nhiều lần nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em không có điều kiện tiếp tục đến trường. Em cũng biết theo quy định con gái đúng 18 tuổi mới được kết hôn nhưng do không biết gìn giữ nên lỡ mang thai, đành lấy chồng sớm”, Dịnh nói. Trường hợp em Mấu Thanh Nhật (19 tuổi) và Bo Bo Thị Thắm (16 tuổi) cùng thôn Valy lấy nhau từ năm 2017 cũng để lại hệ lụy đáng tiếc. Do Thắm còn quá nhỏ, thiếu kiến thức khi làm mẹ nên không biết chăm sóc con, dẫn đến con bị suy dinh dưỡng nặng.  


Chị Mang Thị Hồng - cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết, các em người đồng bào dân tộc thiểu số yêu đương sớm nên nhiều trường hợp 14, 15 tuổi đã lấy chồng sinh con. Dù chính quyền địa phương tuyên truyền vận động đến từng hộ, các em cũng biết luật nhưng do nhận thức hạn chế, yêu đương tự do nên mang thai sớm, dẫn đến tảo hôn. Ông Tro Thu - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tân cho biết, ngoài tăng cường tuyên truyền, địa phương cũng có những chính sách răn đe, thông báo rộng rãi, gắn với xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, hương ước quy ước. Gia đình nào vi phạm sẽ không được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước.


Cần tăng cường tuyên truyền


 Bà Lê Thị Bích Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cam Lâm cho biết, với thực trạng trên, năm 2018, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện đã xác định việc tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn là nhiệm vụ trọng tâm, song song với triển khai thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới. Bên cạnh đó, ban cũng đã chủ động tham mưu UBND huyện kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2018 - 2020. Ban còn phối hợp với Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Mặt trận huyện, các trường THPT xây dựng kế hoạch liên tịch về công tác truyền thông DS-KHHGĐ. Ban cũng phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng các xã, thị trấn cùng các ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, quyền trẻ em… Ngoài ra, hội thi về tìm hiểu chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên, cung cấp kiến thức tâm sinh lý lứa tuổi dậy thì, định hướng lối sống… cũng được quan tâm tổ chức để các em có thể tự chia sẻ, trao đổi các vấn đề về tâm lý, giới tính với nhau để bảo vệ bản thân.


Tuy chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã kết hợp đồng bộ trong tuyên truyền từ nhà trường đến gia đình, nhưng 6 tháng đầu năm 2018, toàn huyện vẫn có 9 trường hợp tảo hôn. Đáng nói là trong năm 2013 - 2014, Cam Lâm không có trường hợp nào tảo hôn. Vì vậy, tảo hôn vẫn đang là rào cản đối với công tác dân số của huyện. Thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, thời gian tới, ngành Dân số huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình phối hợp, tăng cường số buổi truyền thông với nội dung phù hợp đặc thù từng xã; duy trì hoạt động của mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, các hoạt động truyền thông lồng ghép với Đoàn Thanh niên và các trường học trên địa bàn toàn huyện. Đồng thời, tiếp tục đảm bảo việc quản lý hậu cần phương tiện tránh thai ở huyện và hướng dẫn các xã, thị trấn công tác quản lý, cấp phát phương tiện tránh thai miễn phí; tổ chức tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai phi lâm sàng; thực hiện có hiệu quả Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ, sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn giai đoạn 2016 - 2020…


Thiết Trang