11:05, 09/05/2018

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

Từ khi thành lập đến nay, Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ bám sát nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ khi thành lập đến nay, Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ bám sát nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Góp phần bảo vệ vật liệu, trang thiết bị


Trong 30 năm qua, Chi nhánh Ven biển đã tiến hành thực hiện các chương trình thử nghiệm tự nhiên về độ bền nhiệt đới đối với các loại vật liệu và phương pháp, phương tiện bảo vệ vật liệu. Qua thử nghiệm đã đánh giá được độ bền của vật liệu và phương pháp, phương tiện bảo vệ vật liệu, vũ khí, trang bị kỹ thuật trong điều kiện khí hậu nhiệt đới biển; xác định được một số loại vật liệu và công nghệ có thể sử dụng tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như: các chi tiết, linh kiện kỹ thuật máy bay, trang thiết bị quân sự. Một nhiệm vụ liên quan đến chống ăn mòn trong môi trường nước biển là nghiên cứu đặc điểm ăn mòn và bám bẩn sinh học biển, thiết lập các phương tiện, phương pháp tiên tiến để bảo vệ thiết bị kỹ thuật và công trình biển. Đề tài đã được thực hiện thử nghiệm tự nhiên trong môi trường biển với hơn 5.000 mẫu các loại, trong đó đã đánh giá hiệu quả bảo vệ của các hệ thống sơn phủ chống bám bẩn sinh học, nghiên cứu tốc độ ăn mòn kim loại, hợp kim trong môi trường nước biển. Trong số những vật liệu được thử nghiệm có các mẫu thép mới chuyên dùng để chế tạo tàu biển. Đây là định hướng các chương trình thử nghiệm có liên quan trực tiếp với thực tế ứng dụng trong ngành đóng tàu của hải quân Nga và Việt Nam.

 

Cán bộ khoa học của chi nhánh xử lý mẫu trong phòng thí nghiệm.

Cán bộ khoa học của chi nhánh xử lý mẫu trong phòng thí nghiệm.


Đặc biệt, những thành tựu nổi bật của chi nhánh trong những năm qua là chế tạo thành công sản phẩm protector nền kẽm để bảo vệ chống ăn mòn đường ống làm mát trên tàu Gepard 3.9, đáp ứng các chỉ tiêu về điện thế, điện cực, dung lượng điện hóa, hiệu quả và thời gian bảo vệ tương đương với protector nền kẽm do Nga sản xuất. Đồng thời, nghiên cứu và lựa chọn được 2 chất anionit và cationit có hiệu quả rất tốt trong việc xử lý nước làm mát tàu ngầm, kéo dài thời gian sử dụng của nước làm mát. Hiện nay, Quân chủng Hải quân đã sử dụng hiệu quả 2 chất này trong việc xử lý nước làm mát tàu ngầm tại Lữ đoàn 189 Hải quân.


Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã triển khai tốt nhiệm vụ nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu nhiệt đới đối với trạng thái kỹ thuật của vũ khí trang bị kỹ thuật phòng không không quân, nhất là đối với các máy bay họ Su cũng như các trang thiết bị đi kèm. Đồng thời, tham gia khảo sát, bảo quản, khôi phục các trạm ra đa ven biển bị ảnh hưởng do tác động của điều kiện khí hậu thời tiết cho một số đơn vị khu vực Nam Trung bộ.

Nỗ lực tìm hướng bảo tồn hệ sinh thái biển

 

Chi nhánh Ven biển là đơn vị đầu mối trực thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (trực thuộc Bộ Quốc phòng), có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề về độ bền nhiệt đới, ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới đến vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, sự ảnh hưởng của các chất hóa học tồn dư sau chiến tranh, chất thải sinh hoạt đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học biển và các sông hồ Việt Nam, phục vụ an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những năm qua, đơn vị đã tập trung nghiên cứu đa dạng sinh học và hiện trạng các hệ sinh thái biển, nước ngọt và hệ sinh thái tại một số vùng điển hình của Việt Nam. Qua đó đã thu thập các số liệu khoa học cơ bản về đa dạng sinh học biển, cấu trúc, chức năng của các hệ sinh thái nước nhằm ứng dụng vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề cấp thiết về bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn tài nguyên sinh vật nước của Việt Nam. Ngoài các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, Chi nhánh Ven biển còn triển khai các nghiên cứu mang tính định hướng ứng dụng, như: nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản cá cảnh biển, độc học môi trường khu vực cửa sông và vịnh Nha Trang, hệ sinh thái rừng ngập mặn và ảnh hưởng của con người lên các hệ sinh thái... Đặc biệt, với đề tài nghiên cứu hiện trạng và tái tạo rạn san hô tại vịnh Nha Trang đã bảo vệ được quỹ gen của các loài quý hiếm, góp phần tái tạo và phát triển các rạn san hô bị hủy diệt do tác động của con người, tạo môi trường cho sinh vật biển sinh sống và phát triển.


Tiến sĩ Andrey Kuznhetsov - Tổng Giám đốc phía Nga Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cho biết: “Chi nhánh Ven biển có vị trí đặc biệt quan trọng khi vừa có biển, đất liền và có vùng tiếp giáp giữa hai môi trường khí hậu. Các đề tài nghiên cứu của chi nhánh trên hướng độ bền nhiệt đới đã triển khai thực hiện đều có liên quan đến biển như các hoạt động thử nghiệm tự nhiên trên cạn và dưới biển về ăn mòn khí quyển và lão hóa vật liệu, các giải pháp phòng chống. Trên hướng sinh thái nhiệt đới, đã triển khai nghiên cứu về rạn san hô ngoài biển và vùng ven bờ từ cực bắc đến cực nam của Việt Nam, sự biến đổi của quần xã rạn san hô, sự bền vững rạn san hô dưới tác động của môi trường, nghiên cứu sự phục hồi và việc bảo tồn rạn san hô. Những năm qua, chúng tôi luôn quan tâm và cùng với Chi nhánh Ven biển xác định các hướng nghiên cứu để phát triển, tạo ra các điều kiện làm việc tốt nhất để có thể đạt được những kết quả tốt nhất”.


THẾ ANH