10:12, 26/12/2017

Hợp tác xã Vận tải Hòa Bình: Nỗ lực vượt khó

Từ khi thành lập (năm 1979) đến nay, đã có thời điểm, Hợp tác xã Vận tải Hòa Bình làm ăn rất phát đạt. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, hành trình mà hợp tác xã này trải qua đang chứa đựng nhiều gian khó.

Từ khi thành lập (năm 1979) đến nay, đã có thời điểm, Hợp tác xã (HTX) Vận tải Hòa Bình làm ăn rất phát đạt. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, hành trình mà HTX này trải qua đang chứa đựng nhiều gian khó.


HTX Vận tải Hòa Bình là một tập hợp các thành viên hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực vận tải bao gồm: vận tải hành khách và vận tải hàng hóa. Ở lĩnh vực này, trong khoảng thời gian hơn 10 năm trở về trước, hoạt động vận tải hết sức nhộn nhịp và vô cùng sôi động, đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước và đảm bảo cho đời sống của gia đình các thành viên. Lúc bấy giờ, nhìn chung các loại hình phương tiện đi lại như: máy bay, tàu lửa… còn hạn chế. Ngay cả các phương tiện ô tô cũng chỉ mới phát triển ở mức độ nhất định, đặc biệt là loại hình kinh doanh vận tải của hộ kinh doanh cá thể còn tương đối ít ỏi. Vì thế, các chuyến xe chở hàng, chở khách từ các phương tiện thuộc HTX vận tải nói chung và HTX Vận tải Hòa Bình nói riêng có nhiều đất sống.

 

Hoạt động dịch vụ vận tải đang có sự cạnh tranh khốc liệt

Hoạt động dịch vụ vận tải đang có sự cạnh tranh khốc liệt

 

Tính đến nay, HTX Vận tải Hòa Bình có hơn 400 đầu xe, gần 400 thành viên trong đó có khoảng 250 xe vận tải hàng hóa, số còn lại là vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành khách theo hợp đồng. Tổng vốn hoạt động là tài sản của thành viên hơn 300 tỷ đồng, trong đó vốn tài sản của HTX hơn 400 triệu đồng. Hàng năm, HTX nộp ngân sách hơn 2,5 tỷ đồng. Năm 2017, HTX nộp ngân sách hơn 2,76 tỷ đồng. Bên cạnh vận tải, HTX còn hình thành garage phục vụ sửa chữa ô tô, chủ yếu là các phương tiện của thành viên mang tính chất phi lợi nhuận và cung cấp các dịch vụ vận tải cho thành viên. 

Tuy nhiên, khi kinh tế thị trường phát triển, các HTX vận tải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể... nên lâm vào cảnh điêu đứng. Theo ông Nguyễn Văn Phiêu - Giám đốc HTX Vận tải Hòa Bình, trong khi các xe của HTX phải rất rõ ràng, chi tiết trong quá trình hoạt động, cả về giờ giấc, bến bãi, tuyến đường, hợp đồng, thuế, phí… thì nhiều xe hoạt động tự do có phần cởi mở hơn, ít chịu hoặc dễ tránh né sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Điều này đang gây ra một môi trường kinh doanh không lành mạnh. Thực tế cho thấy việc quản lý kinh doanh vận tải của cơ quan chức năng thông qua HTX dễ dàng hơn so với quản lý hộ cá thể. Chẳng hạn, chỉ cần quản lý 1 HTX như HTX Vận tải Hòa Bình, thì đã có thể kiểm soát được 400 đầu xe của các thành viên HTX. Còn với 400 hộ kinh doanh cá thể, nhiều trường hợp thậm chí không biết họ có kinh doanh vận tải do xe một nơi, chủ xe một nẻo. “Điều đáng nói là dường như việc quản lý đang hướng nhiều đến các doanh nghiệp, các HTX, trong khi các hộ cá thể lại có dấu hiệu nới lỏng, gây thêm nhiều áp lực cho các đơn vị kinh doanh đàng hoàng”, ông Phiêu bày tỏ.


Để các HTX vận tải phát triển, HTX Vận tải Hòa Bình kiến nghị: Nhà nước nên tập trung phát triển hạ tầng giao thông; quản lý tốt tốc độ, tải trọng phương tiện; quản lý các trường dạy lái nghiêm túc để có những lái xe giỏi. Đặc biệt là tạo ra được môi trường kinh doanh bình đẳng giữa xe HTX và xe tự do. Mặt khác, có hướng giảm bớt các điều kiện kinh doanh vận tải đang gây khó doanh nghiệp, HTX; cải thiện hơn nữa môi trường pháp lý, vì hiện tại có những quy định bộc lộ nhiều hạn chế nhưng chưa được chỉnh sửa trong một thời gian dài như: Khoản 2, Điều 2 về vấn đề xuất hóa đơn cho doanh thu khoán về vận tải và Khoản 4, Điều 6 về việc xe nghỉ kinh doanh của Thông tư số 92/2015 ngày 15-6-2015.


H.Đăng