04:05, 04/05/2017

Những "anh nuôi" trên biển

Trên các chuyến tàu ra Trường Sa, dù trời yên, biển lặng hay sóng to, gió lớn, người lính hậu cần vẫn cần mẫn với công việc của mình, phục vụ những bữa ăn ngon cho đoàn, góp phần vào thành công của chuyến công tác.

Trên các chuyến tàu ra Trường Sa, dù trời yên, biển lặng hay sóng to, gió lớn, người lính hậu cần vẫn cần mẫn với công việc của mình, phục vụ những bữa ăn ngon cho đoàn, góp phần vào thành công của chuyến công tác.


Tham gia đoàn công tác đi Trường Sa vào tháng 4 vừa qua, chúng tôi được đi trên con tàu Khánh Hòa 01 - tàu quân y hiện đại nhất của Quân chủng Hải quân. Suốt 3 ngày đầu trên biển, do thời tiết không thuận lợi, nhiều thành viên trong đoàn đã sớm phải nằm một chỗ vì say sóng. Vì thế, với nhiều người, mỗi khi nghe có thông báo mời đoàn công tác đến nhà ăn dùng cơm là cảm giác buồn nôn lại chực trào nên chỉ đến ăn vội vàng chén cơm rồi lại về phòng. Ấy vậy mà ít ai để ý, dù trong điều kiện thời tiết như thế, những bữa ăn ngon với đầy đủ thịt, cá, rau củ vẫn được dọn lên bàn ăn đúng giờ, đều đặn suốt hải trình.

 

Hỏi chuyện mới biết, chuyến đi này, phụ trách bữa ăn cho 197 thành viên đoàn công tác là tổ phục vụ chỉ vỏn vẹn 14 người. Thượng úy Cao Xuân Kiều - bếp trưởng tổ phục vụ với hơn 10 năm kinh nghiệm “giữ lửa” trên các con tàu đi Trường Sa chia sẻ, trước mỗi chuyến đi, thực đơn ăn cho mỗi ngày đã được lên sẵn từ bờ. Để phục vụ đoàn, mỗi ngày, các anh nuôi thường dậy từ 4 giờ để chuẩn bị cho bữa sáng vào lúc 6 giờ. Sau đó, các anh lại dọn dẹp, chuẩn bị cho bữa tiếp theo. Đều đặn, mỗi ngày 4 bữa ăn được đưa lên bàn ăn vào lúc 6 giờ, 10 giờ 30, 17 giờ 30 và bữa ăn nhẹ vào ban đêm lúc 21 giờ. Việc tính toán lượng thức ăn mỗi ngày sao cho đảm bảo đủ thức ăn cho mọi người, bảo quản được các loại rau, củ, quả không bị hư hỏng cũng rất tỉ mỉ. “Nhiều năm trước, đi các tàu không có kho lạnh bảo quản, các loại rau củ chúng tôi mang theo bị hư rất nhanh, ngay cả bí đỏ là loại để được lâu nhất cũng chỉ dùng được một phần. Bây giờ, tàu ngày càng hiện đại, việc bảo quản thực phẩm đỡ vất vả hơn, chỉ lo ra biển gặp sóng lớn, việc nấu ăn sẽ rất vất vả, mọi người cũng không có sức để ăn được nhiều”, Thượng úy Kiều bộc bạch.

 

Thành viên tổ phục vụ trên tàu Khánh Hòa 01 chuẩn bị bữa ăn  cho đoàn công tác
Thành viên tổ phục vụ trên tàu Khánh Hòa 01 chuẩn bị bữa ăn cho đoàn công tác

 

Theo Thượng úy Nguyễn Văn Hải - Tổ trưởng Tổ phục vụ đoàn công tác, trong số 14 thành viên của tổ, chỉ một số người có kinh nghiệm trong công tác hậu cần, số còn lại là các anh em biết nấu ăn, có sức khỏe. Dù tuyển chọn kỹ lưỡng, nhưng khi tàu nhổ neo, gặp sóng lớn, cũng có một số người không trụ nổi, các anh em phải thay nhau làm việc. Vậy mà, hễ cứ thành viên nào trong đoàn công tác bị say sóng, không thể đến nhà ăn, các anh lại có ngay những tô cháo nóng hổi mang đến tận phòng.


Thượng úy Hải tâm sự: “Nấu ăn trên biển khó khăn hơn đất liền rất nhiều, nhất là những ngày sóng lớn, có khi một tay giữ nồi, tay đảo đồ ăn, ngay cả người có kinh nghiệm nhiều như tôi với anh Kiều cũng không tránh khỏi bị bỏng do thức ăn nghiêng đổ vào tay, chân. Còn tối lại, anh em nào còn sức thì câu cá tăng gia bữa ăn cho mọi người”. Dù khó khăn, nhưng mối quan tâm lớn nhất của các “anh nuôi” là đảm bảo bữa ăn ngon cho đoàn. Bữa ăn nào cơm, canh được ăn hết thì các anh phấn khởi, bữa nào còn dư nhiều thì lại lo lắng, hỏi han từng người xem có thiếu sót gì không, hay tình trạng sức khỏe như thế nào…


Với những người lần đầu đi Trường Sa công tác, hay cả với người đã đi nhiều lần như tôi, đâu đâu cũng có khó khăn, vất vả. Với những “anh nuôi” trên tàu, nhiệm vụ càng quan trọng gấp bội phần, bởi họ là những người đảm bảo bữa ăn, sức khỏe cho thành viên các đoàn, góp phần lớn vào thành công của chuyến công tác. Dù trời yên, biển lặng hay sóng to, gió lớn, những “anh nuôi” vẫn âm thầm nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình, giúp những chuyến công tác đến với Trường Sa được trọn vẹn hơn.


V.T