Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang hứng chịu hậu quả nặng nề do hạn hán gây ra. Trước tình hình này, ngày 22-4, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác chống hạn tại địa phương.
Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang hứng chịu hậu quả nặng nề do hạn hán gây ra. Trước tình hình này, ngày 22-4, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác chống hạn tại địa phương.
Thiệt hại nặng nề
Đoàn công tác đã trực tiếp thị sát công trình hồ Đá Bàn (xã Ninh Sơn) và tình hình hạn hán tại xã Ninh Thân. Báo cáo với đoàn công tác, ông Đinh Văn Mỹ - Phó Giám đốc Công ty Khai thác thủy lợi Bắc Khánh Hòa cho biết: “Hồ Đá Bàn có dung tích thiết kế 75 triệu m3, phục vụ tưới cho gần 4.000ha đất nông nghiệp của 7 xã tại Ninh Hòa. Hiện nay, hồ chứa này chỉ còn chưa đầy 10 triệu m3, không thể cung cấp nước sản xuất lúa cho bất cứ diện tích nào”. Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã, trong vụ đông xuân 2015 - 2016, địa phương đã phải dừng sản xuất gần 2.000ha lúa do thiếu nước, những diện tích sản xuất được cũng bị ảnh hưởng nặng bởi nắng hạn, năng suất lúa bình quân chỉ đạt 55 tạ/ha, giảm hơn 15 tạ/ha so với trung bình các năm trước.
Một số diện tích lúa đã xuống giống đang thiếu nước trầm trọng |
Không riêng gì cây lúa, nông dân trồng mía ở thị xã Ninh Hòa cũng phải chịu cảnh thua lỗ do nắng hạn gây ra. Theo thống kê của UBND thị xã Ninh Hòa, phần lớn trong tổng số 11.200ha mía của địa phương đã được thu hoạch xong; năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 46 tấn/ha, giảm 10 tấn/ha so với trung bình những năm trước. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập cũng như đời sống của người trồng mía.
Một trong những lĩnh vực sản xuất chủ lực của thị xã Ninh Hòa là nuôi trồng thủy sản cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết cực đoan. Khắp các vùng đìa ở các xã: Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Hà, Ninh Phú… khung cảnh khá ảm đạm. Những đìa tôm cạn trơ đáy, nứt nẻ, guồng quay nước nằm chỏng chơ. Tại phường Ninh Hà chỉ có 67ha trong tổng số 470ha nuôi trồng thủy sản được người dân thả nuôi; trong khi đó, diện tích đã thả nuôi thủy sản ở xã Ninh Ích chỉ mới được 5%. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn thị xã có 1.900ha nuôi nước mặn, lợ, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Do thời tiết bất lợi, phần lớn diện tích nuôi tôm trên địa bàn vẫn chưa được người dân thả nuôi do lo sợ bị thiệt hại. Những diện tích đã được người dân thả nuôi đã xuất hiện tình trạng tôm chết yểu, chậm lớn do độ mặn, nhiệt độ nước trong ao nuôi tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương cũng như đời sống của người dân tại các vùng nuôi.
Điều khiến nhiều người dân ở Ninh Hòa lo lắng nhất hiện nay là tình trạng thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra ở một số khu vực. Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết: “Hiện nay, mực nước tại các công trình thủy lợi đang ở mức thấp, nhiều nơi đã cạn kiệt, nguồn nước ngầm tại một số giếng đã bị khô cạn. Đặc biệt, ở các xã miền núi như: Ninh Tây, Ninh Tân… và các xã ven biển như: Ninh Thủy, Ninh Vân… đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, có khoảng 2.200 hộ, với 9.000 nhân khẩu ở những địa phương chưa có mạng lưới cấp nước sinh hoạt đang bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu nước sinh hoạt. Trong thời gian tới, tình trạng thiếu nước sinh hoạt chắc chắn sẽ trầm trọng hơn, số hộ cần được hỗ trợ nước sẽ tăng lên rất nhiều”.
Những biện pháp cấp bách
Trước dự báo thời tiết nắng hạn sẽ tiếp tục kéo dài, thị xã Ninh Hòa xác định phải ưu tiên nước để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Ông Trần Văn Minh cho biết thêm: “Nếu năm nay không xuất hiện mưa tiểu mãn thì hạn hán trên địa bàn Ninh Hòa sẽ càng trầm trọng. Phương án đưa ra là tiến hành xây các bể chứa ở khu vực thiếu nước sinh hoạt, rồi vận chuyển nước để phục vụ nhân dân. Về lâu dài, UBND thị xã Ninh Hòa đang đề đạt với cơ quan có thẩm quyền về phương án nối dài hệ thống cấp nước của Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa (nước máy) tới 15 khu vực cấp thiết trên địa bàn toàn thị xã, phục vụ cho trên 4.500 hộ, 18.272 nhân khẩu với tổng kinh phí dự kiến hơn 14 tỷ đồng”.
Người dân Ninh Hòa đào mương dẫn nước về ruộng |
Ông Đinh Văn Mỹ cho biết: “Công ty đã ngừng cấp nước phục vụ sản xuất vụ hè thu để dành toàn bộ lượng nước hiện có của hồ Đá Bàn để cấp cho 3 hệ thống cấp nước sinh hoạt của Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa; cấp nước sinh hoạt cho người dân và nước cho gia súc ở vùng hạ du công trình thủy lợi hồ Đá Bàn; lượng nước này chỉ đủ để cầm cự đến khoảng tháng 8 năm nay”.
Để giảm thiểu thiệt hại do nắng hạn gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, thị xã Ninh Hòa đã chỉ đạo các địa phương cân đối lượng nước để bố trí sản xuất cho phù hợp, kiên quyết cắt giảm diện tích sản xuất ở những nơi không chủ động nước tưới; tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bằng cách chuyển từ lúa sang trồng bắp, đậu xanh; hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm; tuyên truyền để người dân tích cực tham gia công tác chống hạn, bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm. Bên cạnh đó, tiến hành lắp đặt các trạm bơm tại các cống lấy nước để bơm nước từ dung tích nước chết của các hồ, sông suối để tưới cho các diện tích thiếu nước vào cuối vụ… UBND thị xã Ninh Hòa còn đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số công trình cấp thiết phục vụ chống hạn; có chính sách hỗ trợ các diện tích bỏ vụ, bị thiệt hại do nắng hạn…
Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến đề xuất, ông Lê Thanh Quang kết luận: Khánh Hòa đang phải đối diện với nắng hạn gay gắt và trên diện rộng. Trước dự báo hạn hán sẽ kéo dài, tỉnh đã chỉ đạo phải ưu tiên dành nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, kế đến là nước cho sản xuất công nghiệp và dịch vụ, thứ nữa là nước dành cho gia súc. Trường hợp người dân gặp khó khăn do không sản xuất được vì nắng hạn, các địa phương phải kịp thời hỗ trợ để đảm bảo người dân không bị thiếu đói do ảnh hưởng của hạn hán… Thị xã Ninh Hòa phải tìm mọi nguồn nước để đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho nhân dân; đối với những nơi không có hệ thống cấp nước thì phải tiến hành khảo sát, khoan để tìm nguồn nước ngầm, nếu không có phải tiến hành xây bể chứa, vận chuyển nước từ nơi khác đến để cung cấp nước cho người dân. Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển những diện tích đất sản xuất lúa nước ở những nơi thường xuyên thiếu nước sang các cây trồng khác; thậm chí với những diện tích mía kém hiệu quả cũng phải chuyển đổi…
HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG
_____________________________________________________________
* Ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa: 6.893ha lúa hè thu phải bỏ vụ
Theo kế hoạch, tổng diện tích gieo trồng lúa hè thu 2016 của thị xã là 8.319ha, nhưng diện tích đảm bảo nước tưới có thể sản xuất chỉ được 1.211ha, diện tích phải bơm tưới 140ha, diện tích có thể chuyển đổi cây trồng chỉ 75ha, còn lại 6.893ha không thể sản xuất. Không chỉ vậy, hơn 300ha đất lúa có khả năng nhiễm mặn, nhất là ở thôn Phụng Cang (xã Ninh Hưng) có hơn 100ha.
_______________________________________________________________
* Ông Lê Văn Đỏ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa: Khoảng 4.700ha rừng trọng điểm dễ cháy
Thời gian qua, Ninh Hòa luôn được dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp cao nhất, cấp cực kỳ nguy hiểm. Trên địa bàn thị xã có khoảng 4.700ha rừng trọng điểm dễ cháy, chủ yếu là rừng căm xe tự nhiên ở xã Ninh Tây và các diện tích rừng trồng chưa khép tán. Hạt Kiểm lâm địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phòng, chống cháy rừng; phối hợp với Đài Truyền thanh Tiếp hình thị xã phát các bản tin, nhất là bản tin cảnh báo cháy rừng của Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ để nhân dân biết, nâng cao tinh thần cảnh giác; chỉ đạo các trạm kiểm lâm trực thuộc thường xuyên kiểm tra các vùng có nguy cơ cháy cao; cắt cử lực lượng trực cháy 24/24 giờ…