10:07, 15/07/2015

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Năm 2006, toàn bộ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Nam, xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) được nhà nước đầu tư xây dựng nhà vệ sinh. Nhờ đó, đã thay đổi thói quen sinh hoạt, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư.

Năm 2006, toàn bộ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở thôn Nam, xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) được nhà nước đầu tư xây dựng nhà vệ sinh. Nhờ đó, đã thay đổi thói quen sinh hoạt, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư.
 
 
Chuyện về nhà vệ sinh
 

Dù vẫn còn là địa bàn khó khăn nhất của xã Sông Cầu, nhưng hiện nay, thôn Nam đã có những thay đổi tích cực về nhiều mặt. Con đường trung tâm đã được trải nhựa phẳng phiu, các con đường nhánh cũng được kiên cố hóa bằng bê tông. Dọc theo đó là những nương mía, vườn điều và cây ăn trái. Đặc biệt ở khu vực này, chúng tôi thấy hộ dân nào cũng có nhà vệ sinh được xây dựng nơi góc vườn. Nói đặc biệt bởi lẽ, cách đây chục năm, các hộ ĐBDTTS nơi đây chưa có nhà vệ sinh. Người dân thường có thói quen đi vệ sinh ở bờ sông hay những khu vườn gần nhà và cũng gần dòng sông Cầu - nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cả thôn vào mùa khô. 

 

Người dân thôn Nam đã có thói quen sử dụng nhà vệ sinh để giữ gìn vệ sinh
Người dân thôn Nam đã có thói quen sử dụng nhà vệ sinh để giữ gìn vệ sinh

 

Để thay đổi thói quen của người dân trong thôn, góp phần giữ vệ sinh chung; năm 2006, thông qua chương trình y tế dự phòng, Nhà nước đã xây dựng nhà vệ sinh trong vườn cho 18 hộ ĐBDTTS. Ông Nguyễn Thành Tuấn - Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Sông Cầu, thôn phó thôn Nam chia sẻ: “Hiện nay, thôn Nam có 45 hộ dân, trong đó có 26 hộ ĐBDTTS. Thời gian đầu sau khi được Nhà nước xây nhà vệ sinh, người dân vẫn chưa chịu sử dụng. Tuy nhiên, sau một thời gian các ban ngành, đoàn thể và cán bộ thôn tích cực tuyên truyền thì người dân đã hiểu và quen dần với việc sử dụng nhà vệ sinh.” 

 
Ngoài việc hình thành thói quen sử dụng nhà vệ sinh, người dân trong thôn cũng đã nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, thường xuyên phát quang bụi rậm dọc đường, quanh nhà, vệ sinh các dụng cụ chứa nước của gia đình để diệt lăng quăng…
      
 
Còn nhiều khó khăn
 
 
Tuy đã có nhiều đổi mới nhưng đời sống người dân thôn Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Hiện tại, thôn Nam là địa bàn duy nhất của xã chưa được đấu nối vào hệ thống cấp nước như các thôn khác. Từ trước đến nay, người dân trong thôn chỉ sử dụng nguồn nước từ 3 cái giếng đào do xã và Công an tỉnh hỗ trợ, nhưng hiện 2 cái đã trơ đáy.
 
 
Theo ông Nguyễn Thành Tuấn, nhiều hộ dân trong thôn không có hoặc có rất ít đất sản xuất. Họ chủ yếu làm rẫy hay thu hoạch mùa thuê; khi hết mùa, họ vào rừng lấy mật ong. Đời sống của các hộ dân ở đây rất bấp bênh. Ông Trần Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Sông Cầu cho biết: “Thôn Nam là thôn nghèo nhất xã, đặc biệt là khan hiếm nước sinh hoạt vào mùa khô. Theo chủ trương của tỉnh về điều tra các vùng khan hiếm nước, chúng tôi đã báo cáo và đề nghị khảo sát khu vực thôn Nam để mong các cấp sớm có sự hỗ trợ về vấn đề này nhằm giúp người dân nơi đây giảm bớt khó khăn trong đời sống sinh hoạt”.
 
 
NAM ANH