11:11, 09/11/2014

Khó xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng

Năm 2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 176 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã có hiệu lực. Thế nhưng, đến thời điểm này, việc triển khai xử phạt, nhất là xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng khó thực thi.

Năm 2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 176 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã có hiệu lực. Thế nhưng, đến thời điểm này, việc triển khai xử phạt, nhất là xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng khó thực thi.

 

Lực lượng bảo vệ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở người hút thuốc lá trong khuôn viên đơn vị.
Lực lượng bảo vệ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở người hút thuốc lá trong khuôn viên đơn vị.


Chỉ nhắc nhở   


Sau gần 1 năm có hiệu lực, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong cả nước nói chung và tại Khánh Hòa nói riêng vẫn chưa hiệu quả, nhất là đối với quy định cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng. Theo Nghị định 176, cá nhân hút thuốc lá ở nơi công cộng như: trong rạp hát, rạp chiếu phim, bệnh viện, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng, trên các phương tiện giao thông công cộng, ở những nơi công cộng khác có quy định cấm hút thuốc sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn “đốt thuốc” tại những điểm này mà không hề bị phạt.


Phòng chờ của bến xe là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Thế nhưng, tại 2 bến xe phía Bắc và phía Nam (TP. Nha Trang), hành khách, tài xế vẫn thản nhiên hút thuốc, cho dù các bảng cấm hút thuốc được treo rất nhiều trong khuôn viên của bến xe. Khi được hỏi, nhiều người biết rõ không được hút thuốc lá tại nơi công cộng, tuy nhiên vì nhiều lý do như: không có khu vực dành riêng cho người hút thuốc, không thấy bảo vệ nhắc nhở... nên họ cứ hút.


Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong khuôn viên sân vườn gần căn tin của Bệnh viện, ở các dãy ghế đá vẫn có nhiều người vô tư hút thuốc, dù xung quanh có các bảng cấm hút thuốc lá và ghi rõ tác hại của nó. Một bảo vệ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói: “Chúng tôi tổ chức đi kiểm tra và nhắc nhở thường xuyên. Khi bị nhắc nhở, những người hút thuốc vứt bỏ thuốc, nhưng khi chúng tôi đi, họ lại tiếp tục hút. Do lực lượng bảo vệ ở Bệnh viện không nhiều nên không thể nhắc nhở hết tất cả mọi người”.


Hiện nay, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các bệnh viện, bến xe hoặc nơi công cộng khác trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc lắp đặt biển cấm hút thuốc, yêu cầu bảo vệ theo dõi, nhắc nhở, vì vậy, khó dẹp được tình trạng hút thuốc nơi công cộng. Bác sĩ Lê Văn Thành - Thanh tra Sở Y tế cho biết, từ ngày Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 176 có hiệu lực đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xử phạt trường hợp nào hút thuốc tại nơi công cộng, chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở.


Khó xử phạt

 

Năm 2013, Ban chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền. Các bảng cấm hút thuốc lá được gắn khắp nơi, từ ngõ vào TP. Nha Trang đến các cơ quan Nhà nước, bệnh viện, trường học, bến xe… Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn thành lập đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra tại tất cả các điểm cấm hút thuốc lá trên địa bàn TP. Nha Trang. Tuy nhiên, việc kiểm tra chỉ dừng ở mức phổ biến nội dung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 176.

Tại hội thảo về thực hiện môi trường không khói thuốc tại Khánh Hòa mới đây, đại diện các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh cho rằng việc thực thi phòng, chống tác hại của thuốc lá còn nhiều khó khăn. Ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh nói: “Theo quy định của Luật và Nghị định, lực lượng xử lý ở địa phương thì chỉ chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an mới có thẩm quyền xử phạt. Số người vi phạm đông, diễn ra trên địa bàn rộng, việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bất chợt; để xử phạt được phải bắt tận tay. Trong khi đó, lực lượng có quyền xử phạt rất mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc nên không thể thường xuyên theo dõi, xử phạt được. Việc xử phạt không nghiêm khiến người dân thờ ơ với quy định”. Còn đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, theo quy định có nhiều lực lượng để xử phạt, nhưng do không có lực lượng nào chuyên trách nên việc xử phạt hút thuốc nơi công cộng gặp rất nhiều khó khăn... Nhiều đại biểu cũng đặt ra trường hợp, nếu bắt gặp và xử phạt một người vi phạm quy định hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng thời điểm đó họ không có đủ tiền để nộp phạt thì xử lý như thế nào?...


Bên cạnh đó, những quy định về việc đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép theo quy định của Chính phủ; phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; không cho phép bán thuốc lá trong phạm vi 100m tính từ ranh giới khuôn viên trường học, bệnh viện, trạm y tế... cũng rất khó thực hiện. Cửa hàng bán thuốc lá có ở khắp nơi, do vậy không có lực lượng nào đủ người để tiến hành kiểm tra, xử phạt nếu họ vi phạm quy định...     


Đã đến lúc cần phải thực hiện nghiêm những quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Có như thế, câu chuyện giảm tác hại của việc hút thuốc lá mới hiệu quả.


BÁ NGHĨA