08:11, 08/11/2012

Thắt chặt tình hữu nghị

Vào khoảng 9 giờ 30 ngày 7-11, cùng với đoàn đón tiếp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, chúng tôi có mặt tại điểm nghỉ chân thuộc thôn Công Hải, xã Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) để đón tiếp các thành viên của đoàn xe đạp “Đồng hành da cam hữu nghị Việt - Hàn”.

. Ghi nhanh của PHÚC HIẾU - HOÀNG DUNG

Vào khoảng 9 giờ 30 ngày 7-11, cùng với đoàn đón tiếp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh, chúng tôi có mặt tại điểm nghỉ chân thuộc thôn Công Hải, xã Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) để đón tiếp các thành viên của đoàn xe đạp “Đồng hành da cam hữu nghị Việt - Hàn”. Chỉ ít phút sau, trên đoạn đường Quốc lộ 1A, đoàn xe đạp dần dần tiến đến điểm dừng chân với sự hỗ trợ của lực lượng giao thông tỉnh Ninh Thuận. Buổi đón tiếp, bàn giao công tác tổ chức của các cấp lãnh đạo 2 tỉnh Ninh Thuận - Khánh Hòa diễn ra khá nhanh chóng để dành thời gian cho các thành viên của đoàn nghỉ ngơi, dưỡng sức. Trong khoảng hơn 15 phút nghỉ ngơi ngắn ngủi ấy, điều mà chúng tôi cảm nhận được từ 20 thành viên (gồm các nạn nhân da cam người Việt Nam và Hàn Quốc) là những tình cảm chân thành, sự chia sẻ, đồng cảm của những người phải gánh chịu những hậu quả của chiến tranh. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Phan Thành Thương (sinh năm 1980) ở xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, hiện là giáo viên dạy tin học chia sẻ: “Tuy bản thân chịu cảnh tật nguyền với hai tay bị teo nhỏ do ảnh hưởng chất độc da cam nhưng tôi vẫn muốn được đi trên chính đôi chân của mình. Chúng tôi tàn nhưng không phế”.

Đại diện đoàn đón tiếp của tỉnh Khánh Hòa tặng quà lưu niệm cho đoàn đạp xe “Đồng hành  da cam Việt - Hàn”.
Đại diện đoàn đón tiếp của tỉnh Khánh Hòa tặng quà lưu niệm cho đoàn đạp xe “Đồng hành da cam Việt - Hàn”.

Cùng chung nỗi đau mang tên da cam, ông Yom Ki Deok (66 tuổi) một trong những thành viên của đoàn đồng hành bày tỏ sự vui mừng khi trở lại Việt Nam sau ngày tham gia cuộc chiến tranh. Ông Yom Ki Deok tâm sự: “Hơn 40 năm trở lại việt nam sau ngày tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1969, tôi thật sự bất ngờ trước sự đổi thay của đất nước các bạn. Người dân Việt Nam không những kiên cường đứng lên sau cuộc chiến tranh và xây dựng đất nước phát triển giàu đẹp như hôm nay mà còn là những người rất thân thiện và rộng lượng”.

1

Các nạn nhân chất độc da cam tỉnh Khánh Hòa nhận quà tặng và sự chia sẻ chân thành từ những người bạn Hàn Quốc.

Sau khi nghỉ chân tại TP. Cam Ranh, đoàn tiếp tục cuộc hành trình đến TP. Nha Trang vào khoảng 17 giờ. Hơn 300 đoàn viên - thanh niên cùng đại diện các sở, ban, ngành, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã tổ chức đón đoàn tại Quảng trường 2-4. Quốc kỳ Việt Nam và Hàn Quốc tung bay trên tay các đoàn viên thanh niên; những lời ca, điệu múa ấn tượng do Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng và Hội Cựu chiến binh biểu diễn như những lời chào nồng nhiệt của nhân dân tỉnh Khánh Hòa gửi đến đoàn. Những giọt mồ hôi lăn dài trên 20 gương mặt sạm đen vì nắng của các thành viên của họ nhưng nụ cười và ánh mắt lại rạng ngời niềm vui trước không khí đón tiếp nồng nhiệt, ấm áp. Ông Shin Seung Hyeok (67 tuổi), một thành viên trong đoàn xe đạp chia sẻ: “Tôi rất xúc động trước tình cảm và sự đón tiếp nồng nhiệt, thân thiện của người dân tỉnh Khánh Hòa dành cho đoàn. 24 năm trước, tôi đã từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Hôm nay trở lại, tôi mong muốn sẽ chia sẻ phần nào những nỗi đau do chiến tranh gây ra. Tôi luôn cầu mong trên thế giới này sẽ không còn chiến tranh nữa”. Tuy bất đồng về ngôn ngữ nhưng với tình cảm chân thành, các thành viên trong đoàn đã thăm hỏi, động viên những hội viên Hội chất độc da cam tỉnh Khánh Hòa. Những bó hoa, món quà ý nghĩa, sự khích lệ về mặt tinh thần cũng đủ làm ấm lòng những mảnh đời không may mắn. Tại lễ đón, đại diện Sở VH-TT-DL đã tặng quà cho 20 thành viên đoàn xe đạp, Ban tổ chức chương trình “Đồng hành da cam Việt - Hàn”, 10 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam tỉnh Khánh Hòa. Từ phía Ban tổ chức chương trình “Đồng hành da cam Việt - Hàn” cũng có những phần quà ý nghĩa gửi tới các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam tỉnh Khánh Hòa với mong muốn sẻ chia những khó khăn của họ trong cuộc sống và thể hiện tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Hàn Quốc.

Chia sẻ cùng nhau sau chặng đường dài.

Chia sẻ cùng nhau sau chặng đường dài.

Sáng 8-11, đoàn sẽ khởi hành và nghỉ chân tại huyện Vạn Ninh trước khi tiếp tục chặng đường. Những vòng xe lại lăn đều trên những vùng đất Việt Nam như thông điệp “Hãy gác lại quá khứ, thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Hàn Quốc, cùng đồng hành và chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân da cam Việt Nam”.

PHÚC HIẾU - HOÀNG DUNG

Chương trình “Đồng hành da cam hữu nghị Việt - Hàn” là hoạt động do Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Phát thanh và Truyền thông MBC Hàn Quốc, Hội cựu chiến binh thương tật da cam Hàn Quốc (KAOVA) tổ chức nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại Việt Nam - Hàn Quốc (22-12-1992 – 22-12-2012). Đoàn khởi hành từ Bến Nhà Rồng (TP. Hồ Chí Minh) vào ngày 1-11-2012, đạp xe qua 19 tỉnh, thành phố trong cả nước và kết thúc tại Hà Nội vào ngày 26-11-2012.