Bây giờ mọi người bảo rằng tuổi trẻ ít đọc sách, bởi cuộc sống vội vã quá, công nghệ đã lấn át đi trong không gian và thời gian. Vì thế, sách bán ở các hiệu sách chỉ còn là một chỗ nhỏ khiêm nhường, đa phần không gian còn lại nhường cho các loại văn hóa phẩm. Đó là quy luật tự nhiên, bởi trong dòng chảy của cuộc sống, internet đã mau chóng mở ra một cánh cửa rộng, để dẫu cách trở tận trời Tây, người quen thân vẫn có thể mở video lên bằng nhiều nền tảng khác nhau để nói chuyện, khiến cho khoảng cách địa lý không còn vời vợi xa.
Bây giờ mọi người bảo rằng tuổi trẻ ít đọc sách, bởi cuộc sống vội vã quá, công nghệ đã lấn át đi trong không gian và thời gian. Vì thế, sách bán ở các hiệu sách chỉ còn là một chỗ nhỏ khiêm nhường, đa phần không gian còn lại nhường cho các loại văn hóa phẩm. Đó là quy luật tự nhiên, bởi trong dòng chảy của cuộc sống, internet đã mau chóng mở ra một cánh cửa rộng, để dẫu cách trở tận trời Tây, người quen thân vẫn có thể mở video lên bằng nhiều nền tảng khác nhau để nói chuyện, khiến cho khoảng cách địa lý không còn vời vợi xa.
Nhớ thuở xa xưa, mấy chục năm trước, tôi vẫn đến nhà sách trên đường Độc Lập (nay là đường Thống Nhất), cứ mua từ từ từng cuốn một cho đủ bộ: Những người khốn khổ, Kim Bình Mai, Ba chàng ngự lâm pháo thủ… Mua các cuốn sách về, đặt đóng bìa, ghi lên sách ngày mua và để lên giá sách. Ngày đó, nhiều người mượn sách, tôi sốt sắng cho mượn, rồi chẳng bao giờ được trả. Hồi đó, để in được một cuốn sách phải do nhà xuất bản bỏ tiền ra in, tác giả chỉ mua lại để tặng. Và hồi đó, tặng nhau chủ yếu là sách của người khác chứ không phải sách của mình in.
Giá sách của tôi phủ theo thời gian, những cuốn sách mua mấy chục năm trước giấy ngả vàng, chữ có khi không đọc được vẫn nằm im ở đó. Sách mờ chữ, giấy xấu nhưng là bảo vật, thỉnh thoảng lại đem ra phơi nắng, phủi bụi. Giá sách của tôi có một ngăn trang trọng khác, dễ chừng 200 cuốn, là sách có chữ ký của tác giả, sách được đề tặng. Những cuốn sách ấy là công sức, tâm huyết của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu tôi quen, đôi khi chỉ có thể gặp trong một buổi giao lưu văn nghệ - tất cả ở một chỗ dặc biệt.
In sách bây giờ tương đối dễ dàng hơn, chỉ cần có bản thảo, liên kết với nhà xuất bản là sách ra đời. Nhưng để cho một đứa con tinh thần ra đời lại không dễ dàng, bởi ngoài những chất liệu đã có, còn phải có tiền. Niềm vui khi một tác phẩm mới ra đời của người viết là một niềm vui đẹp. Bây giờ các nhà xuất bản không nhận phát hành sách, sách gửi bán đôi khi đi qua năm tháng vẫn còn đó, bạn bè thân quý đôi khi mua động viên. Nhưng tặng sách là chuyện khác, tặng là tặng người để đọc, người biết trân quý sách.
Có những cuốn sách tặng đã cũ rất giá trị. Ngày nào khi nhà văn Võ Hồng còn sống, ghé nhà ông tặng cho tôi cuốn Hoài cố nhân, nét chữ viết rất đẹp. Cuốn Yêu một người làm thơ của Tạ Nghi Lễ khi gặp nhau ở Vũng Tàu, đến cuốn thơ của Đỗ Trung Quân khi gặp nhau ở TP. Hồ Chí Minh hay những cuốn Đoàn Thạch Biền gửi qua bưu điện. 2 cuốn truyện của nhà văn Lê Văn Thiện và Cao Linh Quân vẫn còn trên giá sách, nhưng giờ 2 anh đã về cõi vĩnh hằng. Sẽ không kể tên hết những cuốn sách được tặng. Những cuốn sách nghiên cứu của Ngô Văn Ban, Nguyễn Thế Khoa, Nguyễn Văn Thích, Nguyễn Viết Trung… Những tập truyện ngắn của Trí Nhân, Xuân Tuynh, Chế Diễm Trâm, Ái Duy, Vân Hạ, Đào Thị Thanh Tuyền, Lê Đức Quang, Lê Đức Dương, Phong Nguyên… đến những tập thơ của Tô Hằng Thanh, Ngô Thế Lâm, Đinh Tiểu Lăng, Như Hoài, Xuân Đương, Nguyễn Thị Hồng Đào.
Những cuốn sách có chữ ký và đề tặng ấy tôi vô cùng trân quý. Những cuốn sách nằm ở vị trí đẹp nhất trên giá sách của tôi.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG