09:06, 24/06/2022

Vẳng tiếng rao trưa

Mùa hè, tôi đi trực trường. Một mình giữa trường học ngày thường ồn ào, sôi nổi, giờ học trò nghỉ hết, ve cũng chẳng buồn kêu, tôi đưa mắt nhìn khắp nơi, sao yên ắng quá. Tôi ra hành lang sát mé đường, tìm cái ghế đá ngồi, thà chịu mướt mồ hôi vì nắng hanh hao tạt vào, nhưng yên tâm gần đường, có tiếng người sẽ đỡ buồn…

Mùa hè, tôi đi trực trường. Một mình giữa trường học ngày thường ồn ào, sôi nổi, giờ học trò nghỉ hết, ve cũng chẳng buồn kêu, tôi đưa mắt nhìn khắp nơi, sao yên ắng quá. Tôi ra hành lang sát mé đường, tìm cái ghế đá ngồi, thà chịu mướt mồ hôi vì nắng hanh hao tạt vào, nhưng yên tâm gần đường, có tiếng người sẽ đỡ buồn…

 


Trường nằm cách quốc lộ một dãy nhà chứ mấy. Chắc tại tôi đã quen cảm giác sân trường rộn ràng tiếng cười đùa của học sinh mà quên rằng, dù đang hè đỏ lửa thì phía ngoài trường học cuộc sống vẫn hối hả như mọi ngày. Chưa bao giờ tôi thấy thích âm thanh như lúc này. Tiếng xe cộ, tiếng cười nói xa xa… Tôi lắng nghe tiếng xe, tiếng người trên quốc lộ để thấy mình không… một mình. Và tôi đã ngẩn người, lắng đọng khi vẳng nghe: “Ai tàu hũ nước cốt dừa thơm ngon hông?!”. Tiếng rao ở trước cổng trường, tiếng rao đánh thức sân trường vắng lặng.


Tôi để tâm hồn mình chạy theo tiếng rao. Tiếng rao đưa tôi về phía tuổi thơ, ở đó đã có rất nhiều những buổi trưa hè ngồi chờ tiếng rao: “Ai sâm nam ngọt mát hông?!” của bà bán sâm nam dạo. Không phải hôm nào cũng được một ly sâm nam buổi trưa đâu, thi thoảng lắm, nhưng sao tôi vẫn thích, vẫn nôn nao mỗi khi nghe tiếng rao giản dị mà thân thương đó. Buổi trưa có tiếng rao ngọt mát, cảm giác cũng đỡ nóng. Tôi mỉm cười, hình dung khuôn mặt khoan khoái ngày thơ khi được cầm ly sâm nam, nâng lên hạ xuống không dám ăn vì sợ hết. Ngẩn người giây lát, tưởng người phụ nữ đã mang tiếng rao đi xa, ai ngờ lại nghe: “Ai đậu hũ không?! Tôi dõi mắt theo tiếng rao khi người phụ nữ ấy lại đi qua cổng trường lần nữa. Bác chừng bảy mươi tuổi, đội chiếc nón, gánh một đầu là thùng đậu hũ, một đầu gồm: chén, muỗng, bình, ly. Nhìn cái cách bác nhẫn nại gánh đậu hũ, vừa đi vừa rao giữa nắng hè mới thấy hết sự chịu thương chịu khó của người phụ nữ nhà quê. Tôi chạy ra gọi “bác ơi…” rồi mở cổng, đưa bác lại bóng cây bàng ngồi cho mát, ăn 2 chén đậu hũ nước cốt dừa. Trước khi quảy gánh đi, bác nói: Mùa hè trường buồn quá cô nhỉ. Tôi dạ, không có học trò, sân trường buồn hiu hắt. Rồi bác nói nhanh như sợ trễ giờ: Trước tui bán ở chợ nhưng ế quá mới chuyển qua bán dạo. Bán dạo đi cực hơn nhưng bù lại, chắc người ta thấy bà già gánh đi tội quá, cũng ăn giùm. Mấy tháng trước, mỗi ngày già hay gánh qua cổng trường để nhìn trẻ nhỏ, thấy tụi nó vui đùa, nghĩ con cháu mình cũng y vậy, rồi yên tâm đi bán nữa. Lời lãi chẳng được bao nhiêu cô ơi…


Bác nói rồi quảy gánh đi, lại tiếng rao tha thiết: Ai đậu hũ nước cốt dừa thơm ngon!? Tiếng xe ầm ầm trên đường lấn át tiếng rao của người phụ nữ già nua. Tôi nhìn theo cái bóng liêu xiêu trên con đường nhỏ, tự dưng nghĩ: Một người phụ nữ biết sống cho con cháu, chắc sẽ không có những buổi trưa hè vắng lặng nghỉ ngơi, chắc sẽ phải ồn ào bươn bả với dòng đời để cho cuộc sống của con cháu được vui tươi, rộn rã…


Nguyễn Thị Bích Nhàn