07:06, 15/06/2022

Thương thiệt thương thà cùng Chế Diễm Trâm

Chế Diễm Trâm là cái tên quen thuộc với giới văn chương ở Khánh Hòa. Chị là tác giả của quyển chuyên luận "Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng" (năm 2015); tập nghiên cứu phê bình "Những ô cửa nhìn ra vườn văn" (năm 2017); tập truyện ngắn "Tám phút mười chín giây" (năm 2020)… Tập sách nhỏ "Thương thiệt thương thà" (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn 2021) như món quà mùa hè chị tặng cho bạn đọc.

Chế Diễm Trâm là cái tên quen thuộc với giới văn chương ở Khánh Hòa. Chị là tác giả của quyển chuyên luận “Nghệ thuật tùy bút Vũ Bằng” (năm 2015); tập nghiên cứu phê bình “Những ô cửa nhìn ra vườn văn” (năm 2017); tập truyện ngắn “Tám phút mười chín giây” (năm 2020)… Tập sách nhỏ “Thương thiệt thương thà” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn 2021) như món quà mùa hè chị tặng cho bạn đọc.

 


Như lời mở đầu, tác giả đã bày tỏ: “…Cũng là chỉ tự chắt lấy niềm vui, niềm thương từ những điều rất nhỏ, rất thân thiết trên điệu sống hàng ngày và những chuyến xê dịch ngắn ngủi…”. Đọc đi đọc lại mới cảm nhận được rằng, đây là một góc nhìn, cảm nhận văn hóa của những miền đất hiện tại và quá khứ xa xăm mà tác giả đã từng bước chân tới và hoài cảm trong tiềm thức. Dưới sự quan sát tỉ mỉ, suy nghĩ sâu sắc của một nhà giáo từng trải và cây bút phê bình kỹ lưỡng, Chế Diễm Trâm đã đưa bạn đọc đến những dải đất, ngọn núi hay bãi biển thân quen như: Hòn Bà, Bà Nà, Đà Lạt, Bình Ba, Lý Sơn…, những không gian văn hóa vừa nhẹ nhàng vừa thân thiết nhưng ngập tràn cảm xúc chiều sâu. Chị có một sự kiên trì đến kỳ lạ, tỉ tê từng câu chữ, nhấn nhá từng dòng văn và lật lên những vỉa trầm tích mà mọi bước chân đều bước qua nhưng không ai ngó lại để nhìn, vì thế những trang viết của chị dù ngắn gọn nhưng lại rất lưu nhớ. Mảng bút ký, tùy bút của chị như một sự mở đầu đầy cảm hứng cho những tâm hồn muốn khám phá các miền đất rực rỡ tràn ngập tình yêu. Qua trang viết đó, người đọc thấy được ở chị sự nhẹ nhàng tinh tế, có lúc rất chậm trong hành trình khám phá của mình.


Độc giả cũng bắt gặp trong cuốn sách chút ẩm thực, hương cây trái quê hương rất quen thuộc với sự tìm tòi của tác giả như: Bánh căn, mì Quảng, trái xay, hột đát… Đây là nét đầy nữ tính nhưng chị không đi sâu, chỉ lướt thoáng qua như để cho bữa tiệc văn của mình có thêm chút hương vị.


Điều thú vị chính là ở phần 3 của quyển sách, bởi tác giả đã mang âm hưởng dân tộc Chăm huyền bí. Đúng thế, Chế Diễm Trâm đã làm thỏa lòng bạn đọc về những sắc thái văn hóa Chăm với tôn giáo, lễ hội, kiến trúc, trang phục, ẩm thực và nguồn gốc dân tộc. Dù được giới thiệu rất ngắn gọn, súc tích nhưng ta vẫn thấy một bóng mây trời lộng lẫy lấp lánh như ẩn như hiện của nền văn hóa Chăm. Tác giả kết hợp nhiều thành tố văn hóa có sẵn và cả tư duy kiến thức sâu rộng của mình để làm thành những bộ phim có nét riêng biệt, độc đáo mà không dễ có cây bút nào viết được nếu trong dòng máu, ánh mắt, hương vị không thảng thốt khí chất dân tộc Chăm. Thế nên, những bài viết của chị thực sự đem lại một miền văn hóa Chăm vô cùng đặc sắc và người đọc không thấy khô khan vì những kiến thức nặng nề về nghiên cứu. Chế Diễm Trâm đã chế thành món ăn văn hóa phù hợp với tâm thức bạn đọc hôm nay.


Có thể nói, tập bút ký, tùy bút “Thương thiệt thương thà” thực sự là một ấn phẩm đặc sắc. Ở đó, độc giả mở ra có thể cảm nhận một hương vị quê hương qua trang sách xinh xắn này.


Dương Trang Hương