Ai trong đời đã một lần nghe câu hát da diết trong bài Mừng tuổi mẹ, mắt có cay cay: "Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi. Mồ côi tội lắm ai ơi; đói cơm khát nước, biết người nào lo…". Nghe hai chữ ấy sao tự nhiên thấy mình bơ vơ trong cuộc đời đến lạ.
Ai trong đời đã một lần nghe câu hát da diết trong bài Mừng tuổi mẹ, mắt có cay cay: “Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi. Mồ côi tội lắm ai ơi; đói cơm khát nước, biết người nào lo…”. Nghe hai chữ ấy sao tự nhiên thấy mình bơ vơ trong cuộc đời đến lạ.
Thông tin trên báo chí cho biết, từ đầu đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đến nay, chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh có khoảng hơn 1.500 cháu bị mất cha mẹ. Một con số nghe đau trĩu lòng. Và cũng thông tin trên báo chí, ông chủ tịch tập đoàn FPT tuyên bố sẵn sàng dành các cơ sở vật chất hiện có ở Đà Nẵng, thành lập dạng trường thiếu sinh quân, nuôi dạy cho khoảng 1.000 em này cho đến năm 20 tuổi. Một thông tin khiến ai nghe cũng ấm lòng, cảm phục lòng nhân ái và hào sảng của một người chủ doanh nghiệp. Không chỉ tính đến khoản kinh phí khổng lồ bỏ ra hàng năm nuôi các em ăn học, mà cái chính là tấm lòng, trách nhiệm với những số phận không may mắn không dễ mấy ai có được.
Thương quá, và cũng mừng quá. Cuộc đời với bao tấm lòng nhân hậu này không để các em thiệt thòi, sẽ tìm mọi cách bù đắp cho các em, cùng nhau vượt qua đại dịch. Tuy nhiên sau những cảm xúc ngập tràn khi đọc những thông tin đó, hồi tâm lại để suy nghĩ, thấy có nhiều điều cần phải được cân nhắc, tính lại.
Con người lớn lên, trưởng thành cần phải được nuôi dưỡng trong hai môi trường gia đình và xã hội. Không môi trường nào thay thế được cho nhau. Nếu con người vì một hoàn cảnh bất khả kháng nào đó, chỉ được sống trong một môi trường, khi lớn lên sẽ bị lệch lạc về nhân cách, lối sống. Ở độ tuổi các em, các em phải được sống trong bầu không khí của một gia đình. Nền tảng giáo dục gia đình sẽ là bệ đỡ để các em hòa mình vào xã hội. Trên thế giới có mô hình nuôi trẻ em mồ côi là hệ thống làng SOS, yêu cầu nhất quán của hệ thống này ở tất cả các quốc gia là người chăm sóc các em phải chấp nhận không có gia đình riêng, dành toàn thời gian sống với các em trong làng và được gọi là mẹ. Mô hình trường Thiếu sinh quân kia, dù gì cũng là tình thầy trò, các em sẽ ra sao khi sau 8 tiếng học hành, luyện tập, các giáo viên phải trở về nhà, để lại cho các em 16 tiếng còn lại mênh mông? Có thể có một số ít các em thích ứng được với môi trường khắc kỷ đó, nhưng hầu hết sẽ ra sao bởi các em cần phải được sống trong bầu không khí yêu thương, cũng có lúc nhõng nhẽo với người thân, cũng cần một người để thầm thì tâm sự…
Chi bằng chúng ta chọn một phương án giải quyết vừa hợp lý, vừa hợp tình, vừa hợp qui luật phát triển con người, đó là đưa các em về với người thân còn lại trong giòng tộc. Là gia đình các bác, các cô chú hai bên nội ngoại. Các cụ đã có câu “ Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Sểnh cha còn chú, sểnh mẹ bú dì” cơ mà. Như thế các em vẫn được sống trong bầu không khí của gia đình, cho dù không thể sánh bằng gia đình của bố mẹ các em ngày trước. Để giúp đỡ về vật chất cho các em, Nhà nước có thể xây dựng một nguồn quỹ bảo trợ hoặc xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp ủng hộ. Để rồi hàng tháng trợ cấp cho các em ăn học cho đến khi các em đến tuổi trưởng thành.
Đại dịch đi qua một cách tàn khốc, để lại cho chúng ta bao điều chưa từng có tiền lệ. Cầu mong cho các em sớm có một tổ ấm thứ hai đùm bọc. Cầu mong những thầy cô giáo khi nhận các em vào lớp sẽ dành cho các em một sự cảm thông và tình thương yêu chân thành của người mẹ thứ hai…
Cầu mong cuộc đời bù đắp cho các em, cho các em ấm áp…
Thủy Ngân