09:04, 16/04/2021

Mọt sách…

Tôi hay đọc sách thực ra là do hoàn cảnh. Thời xưa, ngoài chiếc loa phóng thanh đầu xóm, sách là cánh cửa duy nhất để tiếp cận với thế giới bên ngoài. Ngày ấy, mỗi khi ra cửa hàng sách của huyện lại mê mẩn đứng ngắm. Thời bao cấp, sách được bày trong cái giá sát tường, cô bán hàng khó đăm đăm ngồi canh sau quầy. Mua cuốn nào chỉ cho cô lấy, trả tiền rồi về chứ đâu có chuyện "đọc cọp" như bây giờ. Mê sách đến độ khi đăng ký thi đại học, ghi nguyện vọng 2 là Trung cấp thư viện. Ghi vậy vì ngày ấy chỉ được thi vào một trường đại học cụ thể, trượt thì đi học trung cấp.

Tôi hay đọc sách thực ra là do hoàn cảnh. Thời xưa, ngoài chiếc loa phóng thanh đầu xóm, sách là cánh cửa duy nhất để tiếp cận với thế giới bên ngoài. Ngày ấy, mỗi khi ra cửa hàng sách của huyện lại mê mẩn đứng ngắm. Thời bao cấp, sách được bày trong cái giá sát tường, cô bán hàng khó đăm đăm ngồi canh sau quầy. Mua cuốn nào chỉ cho cô lấy, trả tiền rồi về chứ đâu có chuyện “đọc cọp” như bây giờ. Mê sách đến độ khi đăng ký thi đại học, ghi nguyện vọng 2 là Trung cấp thư viện. Ghi vậy vì ngày ấy chỉ được thi vào một trường đại học cụ thể, trượt thì đi học trung cấp.

 


Đã vậy, như để khuyến khích cái giấc mơ… làm thủ thư, mấy tối liền chương trình Đọc truyện đêm khuya của đài phát thanh đọc đúng truyện ngắn “Trang 17” qua giọng đọc của nghệ sĩ Tuệ Minh. Khi đó mới hiểu trong xuất bản, trang số 17 của một cuốn sách là trang đầu của tay sách thứ 2, nên thư viện luôn đóng dấu vào góc trang này như là nhận diện sách theo quy ước của thư viện. Tiếc là tôi không có duyên với  nghề… thủ thư, nên sau này muốn đọc sách hoặc đi mượn, hoặc phải bỏ tiền mua.


Thời bao cấp, sách truyện được xuất bản chọn lọc. Sáng tác trong nước hoặc tác phẩm dịch đều được tuyển chọn khắt khe, giàu tính nghệ thuật, tính nhân văn. Truyện dịch thuở ấy, bên cạnh những đại diện xuất sắc của văn học Anh, Pháp, Tây Ban Nha, chủ yếu là văn học Nga Xô - Viết. Tâm hồn Nga, tính cách Nga đã ảnh hưởng sâu nặng, thấm đẫm cả một thế hệ. Chắc chắn lứa tuổi xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, của Nguyễn Văn Thạc, của nhà báo Dương Thị Xuân Quý… trong tâm hồn tràn ngập chất anh hùng ca của Thép đã tôi thế đấy, của Chuyện một người chân chính hoặc Ruồi trâu…


Thời mở cửa sau năm 1986, xuất bản đúng là trăm hoa đua nở. Rất nhiều tỉnh có Nhà xuất bản tổng hợp nên liên kết, liên doanh xuất bản sách ào ào, văn chương thực giả lẫn lộn. Cứ loại nào ăn khách là in, chủ yếu các đề tài cướp, giết, hiếp… nhiều khi quá thô thiển. Nhiều người làm đầu nậu sách đã phất lên. Nhà xuất bản tổng hợp Phú Khánh thời đó nổi tiếng với vụ liên quan đến xuất bản cuốn “Đêm mờ sương - Ân oán giang hồ” rồi tác giả bị khởi tố.


Thời đó chịu khó chọn lọc cũng có nhiều cuốn rất có giá trị. Đặc biệt nhất là hồi đó các tác phẩm văn học Mỹ La tinh được chọn xuất bản rất nhiều. Đó là G.Marquez (Columbia), G.Amado (Braxin), R.Baxtot (Paraguay), A.Carpenchier (Cuba)… mê hoặc qua bút pháp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo rất lạ lẫm. Chỉ có điều giấy in thời đó quá tệ, hầu hết là giấy đen mặt láng mặt sần sùi, bìa mỏng dính. Chữ phía mặt láng còn đọc được, chứ mặt sần thì chữ được chữ mất. Sau này, sách tái bản nhiều bằng giấy tốt, tôi có dịp mua những cuốn mới in lại, thay dần đống sách truyện mua thời kỳ này, vẫn tiếc vì sao những tác giả Mỹ La tinh hầu như không thấy tái bản.


Ngày nay vào nhà sách, cả một rừng sách in đẹp lộng lẫy bao vây người mua. Sách dạy làm giàu, sách truyền cảm hứng, sách phong thủy, sách tử vi... Văn học thế giới cập nhật, các tác giả đoạt giả Nobel văn chương, giải Man Booker, giải Pulitzer mới nhất… Ai muốn sưu tầm sách thì các bộ kinh điển thế giới, kinh điển Tàu tha hồ chọn vì có đến mấy nhà xuất bản cùng in lại, bìa cứng, đóng hộp sang trọng. Duy nhất tiếc một điều là tiểu thuyết ngôn tình Tàu được in quá nhiều, ngồn ngộn trên giá. Để làm ra tờ giấy, người ta phải ngả mất bao nhiêu cây xanh, thải ra môi trường biết bao nhiêu tấn hóa chất. Vậy mà nỡ đem phí phạm vào chuyện in ấn những chuyện ngôn tình này.


Có bảo thủ không khi cứ soi vào sở thích đọc ngôn tình của những người khác?


Thủy Ngân