Kể ra, sẽ có không ít người lấy làm lạ, nhưng quả thật tổ chức Tết cho trâu là một phong tục có lâu đời và ngày xưa thường diễn ra tại nhiều vùng quê trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam của nước ta.
Kể ra, sẽ có không ít người lấy làm lạ, nhưng quả thật tổ chức Tết cho trâu là một phong tục có lâu đời và ngày xưa thường diễn ra tại nhiều vùng quê trên khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam của nước ta.
Đối với nghề nông, “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là một biểu tượng đẹp gắn bó với ruộng đồng, với hạnh phúc của các gia đình. Rất nhiều ca dao đã trở thành khúc hát lưu truyền hết đời này đến đời khác như: “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” hay “Trâu ơi, ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy ai mà quản công/Bao giờ cây lúa còn bông/Là còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”… Là con vật gần gũi, có ích nên cha ông ta không chỉ chăm sóc, cho trâu ăn no đủ để có sức kéo cày, kéo gỗ, kéo ông Che khi ép mía làm đường… mà mỗi khi Tết đến, cùng với nhiều lễ hội khác, việc cúng bái và tổ chức Tết cho trâu được không ít gia đình chú trọng.
Thường thì Tết cho trâu được tiến hành vào mùng 4 Tết Nguyên đán, nhưng cũng có vùng sau rằm tháng Giêng, khi hạ nêu mới làm. Ở Khánh Hòa, đa phần người ta tổ chức vào sáng mùng Một, sau khi các gia đình đi xuất hành năm mới trở về.
Tôi nhớ ngày xưa, ở quê tôi, ngoài việc dọn chuồng trại và tắm cho trâu sạch sẽ, khi cúng Tết cho trâu, cha tôi thường lập một bàn lễ cúng đặt trước cửa chuồng, trên đó có hương, đèn, hoa, nước sạch, rượu, trà cùng các loại bánh trái, đặc biệt là phải có món bánh tét. Bánh tét cúng Tết trâu luôn là bánh tét chay, không nhân, nếu có nhân thì chỉ có một ít đậu xanh hay đậu đen, vì sau khi cúng xong còn lấy bánh trộn với cỏ non để đãi Tết cho trâu.
Khi bàn cúng bày biện xong, cha tôi đốt đèn, thắp hương khấn vái các vị thần như Thần Nông, Thành Hoàng cùng ông Chuồng, bà Chuồng, cầu mong phù hộ cho trâu luôn mạnh khỏe, dẻo dai để cùng gia đình đảm đương công việc đồng áng. Cúng trâu phải có mặt người chăn trâu, nên thường khi cha cúng, tôi phải đứng cạnh, hai tay chắp trước ngực đúng như lời cha dặn. Rồi theo lời cha, tôi bắt đầu lấy hai đòn bánh tét cột vào hai đầu của một sợi dây, tròng ngang lên lưng con trâu và vuốt ve, chúc nó sang năm mới không bị ốm đau, ăn nhiều, cày giỏi. Lúc cúng xong, hương đã tàn, ly rượu cúng được tưới lên cổ, lên đầu trâu, còn bánh tét được tháo khỏi lá, bóp ra để lẫn với cỏ non cho trâu ăn, coi đó như một cách bày tỏ lòng biết ơn của con người.
Phong tục làm Tết cho trâu là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của cha ông ta với loài vật có công. Vừa rồi, tôi gặp nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Triều Dương từ Ninh Hòa vào Nha Trang chơi. Trò qua chuyện lại, chúng tôi bất ngờ chuyển sang chuyện Tết cho trâu. Hóa ra, nghi lễ này ở quê ông cũng giống ở quê tôi, thường được tổ chức rất long trọng, có điều khác hơn một chút là ở quê ông, khi cúng xong, nhiều nhà còn dán giấy vàng bạc lên sừng trâu và cổng chuồng trâu.
Hoàng Nhật Tuyên