08:01, 22/01/2021

Vườn rau ngày xuân

Ở quê tôi, cứ mỗi khi thấy nhà nhà trồng rau, trồng hoa là biết Tết sắp đến. Nó đã trở thành một nếp sống thân thương của người dân quê. Mỗi khi nghe ba nói đã gieo hạt cho vườn rau Tết, tôi chỉ muốn chạy ngay về nhà, ngắm nhìn màu xanh mướt của những luống rau non mơn mởn đang lớn từng ngày.

Ở quê tôi, cứ mỗi khi thấy nhà nhà trồng rau, trồng hoa là biết Tết sắp đến. Nó đã trở thành một nếp sống thân thương của người dân quê. Mỗi khi nghe ba nói đã gieo hạt cho vườn rau Tết, tôi chỉ muốn chạy ngay về nhà, ngắm nhìn màu xanh mướt của những luống rau non mơn mởn đang lớn từng ngày.


Ngày bé, nhà tôi trồng rau mỗi độ xuân về vì lý do rất đơn giản: Chợ không họp những ngày Tết. Muốn có cái ăn và đồ cúng tổ tiên thì phải tự trồng rau vì hồi đó chưa có tủ lạnh để trữ đồ ăn dài ngày như bây giờ. Quanh năm, vùng đất khô cằn, nắng hạn rồi đến mưa dầm lê thê nên chỉ có thời tiết những ngày cuối đông đầu xuân, đủ mưa, đủ nắng mới thích hợp để trồng rau. Những loại rau thường được trồng là xà lách, tần ô, ngò, cải xanh, thêm giàn dưa leo, đậu cove… Mỗi nhà đều trồng vài luống rau xanh để “ăn Tết”. Nhà tôi, ba thường trồng rau trên mảnh đất gần gò mối nên rau lớn nhanh và xanh tốt. Sau khi làm đất, bón thêm ít phân bò, ba gieo hạt, tưới nước và lấy những tàu lá chuối trong vườn đậy lên trên luống rau. Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày, chúng tôi hồi hộp chờ đợi những mầm xanh đâm chồi. Chị em tôi cứ len lén giở những bẹ chuối lên xem đã có cây nào vươn mình lên khỏi lớp đất hay chưa. Hồi hộp mà cũng thú vị làm sao…

 

Ảnh G.C

Ảnh G.C


Vườn rau đón nắng mai, từng cây từng lá xanh tươi chen mình giữa luống đất. Chị em tôi lại xách từng gàu nước tưới rau. Những cây dưa leo, đậu cove cũng lớn nhanh, quấn mình trên những giàn leo một màu xanh tươi. Chúng tôi lại hồi hộp đợi ngày cây ra hoa, kết được trái đầu tiên. Sáng sớm thức dậy, việc đầu tiên là chạy ra vườn, xem trái dưa, trái đậu đã lớn hơn chưa, xem chúng có bị con côn trùng nào làm hư hại hay không. Mắt chữ A, mồm chữ O, thằng em tôi reo lên: “Chị ơi, có thêm mấy trái nhỏ nữa nè!”. Đếm đi đếm lại bao nhiêu lần cũng không đếm đủ những trái nhỏ xinh đang lấp ló, nấp mình dưới những chiếc lá kia nên câu chuyện về số lượng của hai chị em tôi chẳng bao giờ giống nhau.


Thò tay nhổ từng cây rau, giũ bớt đất, lặt bỏ gốc cho vào rổ hay bứt trái dưa, trái đậu đang treo lủng lẳng trên giàn là điều chị em tôi thích nhất mỗi khi đến kỳ thu hoạch. Rau xanh non, vừa nhổ lên khỏi luống và dưa hái từ trên giàn xuống, đem rửa sạch rồi cho vào miệng, vừa nhai vừa cảm nhận vị ngọt của nó. Bánh tráng cuốn với rau xanh, dưa leo, có khi thêm lát thịt luộc, chấm nước mắm ớt tỏi là món ăn không thể thiếu trong những ngày xuân của tuổi thơ tôi. Và như thói quen ngày bé, bây giờ, mỗi khi đi chợ tôi vẫn luôn tìm mua loại rau xà lách “nhà quê”. Giữa muôn vàn giống rau, tôi vẫn thích giống rau vừa ngọt vừa giòn lại mềm ấy.


Đến tận bây giờ, ba tôi vẫn giữ nếp trồng rau “ăn Tết” dù chợ ngày nào cũng họp và bán đủ mọi thứ. Bởi ba biết, với chúng tôi không có gì ngon và quý bằng của nhà trồng được. Vườn rau xuân - đó còn là cả ký ức về những ngày Tết thuở còn khó khăn của tuổi thơ chị em tôi nhưng đong đầy ấm áp, hạnh phúc. Tôi xa quê, sống ở thành phố, mỗi khi về nhà, ba vẫn thường nhổ cho bịch rau, mớ đậu hay trái mướp để mang vào. Lúc nào ba cũng trồng nhiều, mẹ tôi thường hái thêm và bảo đem vào chia cho hàng xóm. Chỉ có ít rau, ít đậu, vài quả dưa nhà quê nhưng đó là hương vị ngày xuân mà tôi thích nhất và nhớ mãi…


Những luống rau được ba trồng hữu cơ hoàn toàn, xanh tươi trong nắng. Đâu đó, ký ức về ngày còn bé chạy quanh luống rau, giàn dưa, giàn đậu lại hiện về trong trẻo, đầy tiếng cười…


HÒA TRANG