10:01, 29/01/2021

Nồi thịt kho măng ngày Tết

Chưa đến tháng Chạp, đi chợ đã thấy người ta bày bán măng khô, hỏi sao có măng sớm thế thì nghe trả lời, bây giờ, người ta bán hàng ngày cô ơi. 

Chưa đến tháng Chạp, đi chợ đã thấy người ta bày bán măng khô, hỏi sao có măng sớm thế thì nghe trả lời, bây giờ, người ta bán hàng ngày cô ơi. Măng còn được ngâm mềm sẵn, ai cần thì mua về, chỉ việc kho thịt bỏ măng vào là xong. Chợt nhớ bây giờ đã khác xưa, những thứ ngày trước phải chờ đến Tết mới được ăn thì bây giờ thấy bán hàng ngày. Tỷ dụ như bánh chưng, bánh tét, dưa món, củ kiệu... khi nào muốn ăn ra chợ mua về, chẳng còn phải thèm thuồng chờ đợi.


Dạo này thời tiết thất thường. Đầu tháng Chạp mà trời vẫn còn âm u, thích thì mưa, đợi hoài vẫn không thấy nắng dù là chút nắng vàng yếu ớt, nhạt nhòa. Đầu tháng Chạp vẫn còn sớm nên tôi chưa có ý định mua thức ăn cho ngày Tết, nhưng cô bán hàng quen cứ mời, chợ ế mua mở hàng giùm. Bây giờ ăn uống chẳng bao nhiêu, tôi chỉ mua vài lạng rau củ sấy khô để ngâm dưa món và mấy lạng măng khô để kho thịt. Thật lòng cầm mấy mụt măng màu nâu vàng tôi chẳng thấy hứng thú gì, bọn trẻ bây giờ cũng không thích món này vì ăn thịt nhiều sợ mập. Không làm thì thấy như thiếu hương vị ngày Tết cũng buồn, nhưng nấu rồi năm nào cũng còn dư.


Tôi chợt nhớ đến má. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần Tết đến, má chuẩn bị mọi thứ rất kỹ, riêng nồi thịt kho măng bao giờ cũng là món được má nhớ đến trước. Nhà tôi đông con nên thứ gì má làm cũng nhiều. Để có nồi thịt kho măng, má phải mua 1kg măng khô. Măng được mua từ đầu tháng Chạp, để khoảng hai lăm tháng Chạp thì má đem ngâm. Mỗi ngày nấu cơm, tôi lấy nước vo gạo để ngâm măng và phải thay nước mỗi khi vo gạo, má nói làm vậy để măng trắng và mau mềm. Đến hai tám tháng Chạp, nhà tôi gói bánh tét, bên cạnh lò nấu bánh tét, má để nồi luộc măng. Để nấu một ký măng khô đó, má phải chuẩn bị 3 cái giò heo to, phải là giò sau mới ngon. Cái nồi thịt kho măng là nồi to nhất trong nhà tôi. Hồi đó, chợ nghỉ Tết mấy ngày nên món thịt kho măng cuốn bánh tráng là món chính cho những ngày không đi chợ. Nhớ lại, tôi cũng ngạc nhiên sao hồi đó ăn vậy không chán, còn bây giờ dọn ra, các con mình có khi không thèm đụng đũa.


Nhà tôi có cái sân trước khá rộng, năm nào đến Tết, ba tôi cũng đặt lò nấu bánh tét ở giữa sân. Cái thùng nấu bánh tét của nhà tôi khá to vì bà nội tôi chuẩn bị hơn chục ký nếp. Nhà đông con nên cái gì cũng phải làm nhiều hơn mọi người. Cái bếp to đùng ấy được tận dụng cho nhiều thứ. Má tôi đặt một cái nồi nước để lúc nào cũng có nước sôi châm vào thùng nấu bánh tét. Ở góc khác, má để nồi thịt kho măng, sau khi xào nấu, nêm nếm thì nồi thịt được đặt cạnh cái bếp trên đống than cời ra từ trong lò. Còn cạnh bếp thứ ba, má đặt thêm cái thùng để nấu nước cho bọn trẻ tắm tẩy trần đêm cuối năm trước khi đón giao thừa.
Có một năm, không hiểu chúng tôi canh bếp thế nào mà đến gần nửa đêm, má tôi phát hiện ra nồi thịt kho măng biến mất. Cả nhà nháo nhào không biết đi tìm ở đâu. Đêm ấy đã hai chín Tết...


Bây giờ, tôi không nhớ vì sao má đã tìm ra được nồi thịt kho măng ấy. Không biết vì sao má biết được thủ phạm là hai vợ chồng người ở ké phía sân sau của trường học trước nhà tôi. Nồi thịt kho măng được mang về đặt lại bên cạnh lò lửa để nấu tiếp, không nghe ai cãi cọ hay lớn tiếng hoặc phân bua gì. Chiều ba mươi Tết, má mang sang hai vợ chồng già bên ấy một nồi thịt kho măng nhỏ và một đòn bánh tét. Hình như những năm sau đó, đến Tết, ba tôi lại chuyển cái lò nấu bánh tét ra sân sau.


Chuyện năm đó cứ được nhớ lại mỗi khi tôi nấu món thịt kho măng. Tôi nhớ hình như tôi cũng có kể lại cho mấy đứa em và con mình nghe như một kỷ niệm ngày Tết, nhưng không ai thấy có ấn tượng gì. Chỉ có tôi hay nhớ linh tinh chuyện cũ.


Tết sắp đến gần. Trời cuối đông lạnh sắt se, không gian ủ ê nên mọi thứ cũng trầm lắng làm xao xác trong lòng. Đâu có sao, chỉ là nhớ thôi mà. Rồi ngày mai, mặt trời sẽ lên, nắng sẽ vàng, hoa mai sẽ nở và chúng ta xôn xao đón Tết.


Lưu Cẩm Vân