Trước nhà tôi có một cây hoa mai, tôi vẫn lặt lá theo chu kỳ hàng năm để ngày Tết trên cây có những bông hoa vàng là tín hiệu mùa xuân. Nhưng không phải năm nào hoa cũng nở đúng hẹn, có năm hoa nở sớm và có năm đợi Tết đi qua mới bung nở như kệ đất trời chuyển dịch. Mỗi năm, hoa nở ít hay nhiều đều không quan trọng, nhưng ngày 30 Tết tôi lại gắn trên cây mai những tấm thiệp chúc Tết, để những tấm thiệp mỗi cái mỗi dáng vẻ ấy hồn nhiên chao lay giống như một chút niềm vui.
Trước nhà tôi có một cây hoa mai, tôi vẫn lặt lá theo chu kỳ hàng năm để ngày Tết trên cây có những bông hoa vàng là tín hiệu mùa xuân. Nhưng không phải năm nào hoa cũng nở đúng hẹn, có năm hoa nở sớm và có năm đợi Tết đi qua mới bung nở như kệ đất trời chuyển dịch. Mỗi năm, hoa nở ít hay nhiều đều không quan trọng, nhưng ngày 30 Tết tôi lại gắn trên cây mai những tấm thiệp chúc Tết, để những tấm thiệp mỗi cái mỗi dáng vẻ ấy hồn nhiên chao lay giống như một chút niềm vui.
Nhưng càng ngày, người đưa thư qua nhà gần như không còn đưa những cánh thiệp chúc Tết nữa. Thiệp chúc Tết cứ thế vắng lần.
Trong những kỷ niệm lưu giữ của tôi có những tấm thiệp Tết, những lời chúc mừng năm mới. Có những tấm thiệp rất cũ, ngả màu theo thời gian, nét bút cũng bị mờ. Thời gian cứ trôi qua trên những tấm thiệp gởi chúc Tết ấy, nhưng khi giở những tấm thiệp Tết, những lời chúc viết bằng nhiều loại mực khác nhau, tôi lại hình dung ra được người bạn năm xưa thuở nào.
Vào những ngày công nghệ chưa phát triển ấy, vào những ngày cận kề năm cũ, tôi hay đi dạo các hiệu sách để lựa thiệp chúc Tết. Những nhà thiết kế cũng khéo nghĩ ra kiểu thiệp để dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Có tấm thiệp rất cầu kỳ, như mở ra có cả điệu nhạc Chúc mừng năm mới. Có tấm thiệp vẽ trên lụa hình các cô học trò, hình ảnh hoa mai hay hoa đào. Có tấm thiệp in nổi cảnh làng quê hay in tranh Đông Hồ. Thiệp để gởi cho bạn bè tương đối đơn giản, đôi khi chỉ là một bức tranh vẽ. Thiệp gởi cho cô gái mình yêu thương thì cầu kỳ hơn. Thiệp gởi cho thầy cô, cha mẹ hoặc những người lớn tuổi thì thường in màu đỏ với những chữ Phúc - Lộc - Thọ hoặc một cành hoa mai, hoa đào, đôi khi nền chỉ là chữ Thọ hoặc Phúc, Lộc… Nói chung, thiệp Tết chọn gởi đi là cả một tấm lòng, cũng lên cả danh sách để người nhận kịp nhận trước khi mùa xuân về.
Các trường học thời ấy cũng nghĩ ra tạo tấm thiệp Tết cho riêng trường mình, học sinh tùy nhu cầu đặt mua trước. Những tấm thiệp thương hiệu ấy luôn có một giá trị đặc biệt và người gởi cũng hãnh diện vì mình có một tấm thiệp riêng.
Không riêng gì thiệp của bạn bè, đến Tết, tôi nhận rất nhiều thiệp chúc Tết của các tòa soạn báo. Mỗi tòa soạn cũng rất chăm chút tấm thiệp Tết gởi đến các mối quan hệ của mình. Dạo đó, gần như tòa soạn báo nào cũng in những cuốn lịch 6 tờ tặng các cộng tác viên kèm thêm tấm thiệp Tết. Một mùa Tết nhìn cây mai trước nhà chao vui với những cánh thiệp Tết mà lòng rất vui.
Những năm sau này, cây mai trước sân nhà tôi vẫn còn thiệp Tết, nhưng rất ít. Đó là thiệp Tết của các cơ quan, ban ngành theo thông lệ, thiệp của các tòa soạn báo cũng còn rất ít, và gần như không còn thiếp chúc Tết của bạn bè thân quen.
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ bùng nổ, giữa thời buổi mạng xã hội liên kết chúng ta lại với nhau như Facebook, Zalo… Các đơn vị truyền thông mỗi năm đều tạo ra những mẫu thiệp điện tử để chúc Tết. Vậy là cứ dùng những mẫu thiệp điện tử gởi cho nhau, thậm chí “lười biếng” đến độ một mẫu thiệp gởi luôn cho cả trăm bạn bè một lúc. Khi đó, một lời chúc riêng trên trang cá nhân hoặc một tin nhắn chúc Tết qua điện thoại đã đủ ấm áp.
Những tấm thiệp Tết ngày xưa của cô bạn học từng thầm thương trộm nhớ, rụt rè gởi trao tay sau giờ tan học, tấm thiệp còn tẩm tí nước hoa và ép trong đó một bông hoa mai khô với những dòng chữ nắn nót: “Chúc bạn một cái Tết vui vẻ cùng gia đình và luôn nhớ về mình”. Tấm thiệp Tết ấy đi qua năm tháng, cô gái ngày xưa ấy giờ tay bồng tay bế. Nhưng khi mở ngăn kéo kỷ niệm, lật xem từng tấm thiệp Tết, cứ ngỡ mùa xuân đang đi qua ngõ.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG