10:03, 05/03/2019

Má tôi

Đã và sẽ có một khoảng bất chợt nào đó trong cuộc đời, đứa con cảm thấy một niềm hạnh phúc vô tận khi nhớ tới mẹ mình, nhớ tới một cảm giác yêu thương đơn sơ giữa mẹ và con. "Quả chuối ngọt trên bàn tay má ngọt trên lưng" - đó là cảm giác của tôi khi nhớ về má mình sau ngót 50 năm, ngày tôi đi chiến trường. Chế Lan Viên - người có không ít những câu thơ cầu kỳ - đã có một câu thơ thật giản dị: "Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con".

Đã và sẽ có một khoảng bất chợt nào đó trong cuộc đời, đứa con cảm thấy một niềm hạnh phúc vô tận khi nhớ tới mẹ mình, nhớ tới một cảm giác yêu thương đơn sơ giữa mẹ và con. “Quả chuối ngọt trên bàn tay má ngọt trên lưng” - đó là cảm giác của tôi khi nhớ về má mình sau ngót 50 năm, ngày tôi đi chiến trường. Chế Lan Viên - người có không ít những câu thơ cầu kỳ - đã có một câu thơ thật giản dị: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”.

 

Ảnh Internet.

Ảnh Internet.


Đúng là mẹ theo con suốt cuộc đời, yêu thương con suốt cuộc đời, ngay cả khi mẹ không còn trên thế gian này nữa. Một tình yêu thương không biên giới, không thế giới. Một tình yêu thương vĩnh cửu. Có thể vì thấu hiểu điều đó mà những đứa con trên trái đất này đã chọn một “ngày của mẹ”. Một ngày đó có thể cô đặc cả một đời trong một cảm giác đơn sơ mà kỳ diệu nhất: cảm giác về ánh mắt, bàn tay, giọng nói, hình bóng mẹ. Mẹ mình.


Trong cái ngày chỉ có mẹ và con, chỉ có con và mẹ này, người ta có thể nhớ câu thơ quá đơn sơ của Xuân Diệu: “Có gì thương hơn là mẹ với con/Có gì ngon hơn là cơm với cá”, câu thơ khiến người đọc rơi nước mắt vì nó giản đơn quá, giản đơn như là tình mẹ với con, như là cơm với cá. Nhớ ngày ra chiến trường, trong toa đen ghế gỗ hai hàng, tôi đã đọc mẩu thư viết vội của má tôi. Những dòng chữ nguệch ngoạc như viết trong nước mắt. Có lẽ đó là bức thư duy nhất trong đời má gửi cho đứa con duy nhất của mình vào một buổi sáng giáp Tết.


Tôi còn nhớ, lúc đọc thư má, con tàu chạy song song với đường quốc lộ, và tôi thấy những người đi xe đạp trên đường, họ mang những hộp mứt, những cành đào mới mua đón Tết. Trời Hà Nội cuối năm se sắt, mưa bụi, lạnh. Có cảm giác lúc bấy giờ má tôi đã ở đâu xa lắm, dù con tàu mới chạy quá ga Thường Tín. Trong thư má dặn tôi giữ gìn sức khỏe và viết: “Má gửi con một hộp ruốc thịt gà để con cùng ăn với các bạn và để nhớ má còn ở miền Bắc...”.


Nhiều năm ở chiến trường tôi đã giữ bức thư của má tôi như giữ một cái gì quý nhất. Nhưng rồi, trong một trận chống càn ở Mỹ Tho năm 1973, bức thư này đã mất cùng quyển sổ tay ghi những bài thơ tôi viết suốt mấy năm ở chiến trường. Có thể nói, tôi trở thành nhà thơ vì có má tôi - một người mẹ lặng lẽ như thế, chịu đựng như thế, cho tới khi lìa đời thì “của để dành” chỉ là vợ chồng đứa con trai và hai cháu nội nhỏ nhít, ngoài ra không còn bất cứ tài sản gì khác. Nếu bây giờ có ai đó kết nối được tất cả những câu thơ của nhân loại viết về mẹ mình, những câu thơ ấy có thể ôm trọn một vòng trái đất!


Những đứa con bao giờ cũng chậm, mà đời người lại nhanh. Tính ra, thời gian tôi ở được lâu nhất với má là từ lúc tôi sinh tới năm 8 tuổi. Sau đó là những tháng năm xa cách, những lúc mẹ con được ở gần nhau rất ít. Đau đớn nhất là khi má mất, tôi cũng không được ở gần, được đưa tiễn má tới nơi an nghỉ cuối cùng. Đó là điều khiến tôi xót xa mãi về sau. Nhưng số phận mẹ con tôi là như vậy, làm sao khác.


Má tôi là một phụ nữ nông dân toàn tòng. Suốt đời bà gắn bó với nông nghiệp, dù làm ruộng hay nuôi tằm. Kể cả khi tập kết ra Bắc, sau nhiều năm bà được vào biên chế, làm việc ở Trại nghiên cứu tằm tơ thuộc Bộ Nông nghiệp, thì má tôi vẫn là người nuôi tằm. Tôi có cảm giác má hoàn toàn mãn nguyện với nghề nông, còn tôi thì rất tự hào vì má là bà mẹ nông dân, như hàng triệu bà mẹ nông dân khác trên đất nước này. Sau hòa bình, từ Hà Nội trở về quê, má tôi lại chăm chỉ cấy lúa, làm ruộng. Những năm ấy hết sức khó khăn, nhưng nhờ canh tác mảnh ruộng nhỏ của gia đình, thầy má tôi thường có gạo mới cho con cháu. Món quà quý ngày ấy có khi chỉ là bao gạo, trong khi người ở thành phố phải ăn độn bo bo hay sắn lát.


Tôi nhớ, tháng 3-1976, từ Hà Nội tôi được chuyển về làm việc ở Trại sáng tác quân khu V - Đà Nẵng. Vừa đặt ba lô ở đơn vị, tôi đã xin phép về quê Mộ Đức thăm thầy má tôi. Bạn tôi, nhà văn Nguyễn Đình Chính (con trai nhà văn Nguyễn Đình Thi) lúc ấy cũng là bộ đội, cùng tôi về quê. Tôi tới nhà vừa đúng lúc má tôi gánh một gánh lúa nặng từ đường quốc lộ về. Bà phơi lúa ngoài lộ. Sau này, anh Nguyễn Đình Chính có viết một hồi ức nhỏ về lần gặp má tôi hồi đó: “Ba mươi hai năm trước (năm 1976), hồi đó tôi còn là một anh bộ đội. Nhà thơ Thanh Thảo có dẫn tôi về Mộ Đức thăm ông bà già của nhà thơ. Lúc mẹ Thanh Thảo gặp tôi, bà không có nói chuyện đông tây gì to tát cả. Khi biết tôi mồ côi mẹ từ nhỏ và lại chưa có vợ, năm đó tôi 30 tuổi rồi, bà có vẻ lo lắng. Bà bèn lo chuyện vợ con cho tôi. Bà bảo tôi thay một cái áo sơ mi trắng và dẫn tôi đi quanh xóm rồi nói nếu con ưng thì má hỏi cho một đám ở đây ngoan lắm, ba mươi tuổi rồi thì phải lấy vợ con ạ… (Nguyễn Đinh Chính -“Cái cớ cho tôi về Quảng Ngãi”). Nhà văn Nguyễn Đình Chính nói chuyện má tôi tính “lo vợ” cho anh là chuyện thật. Những người mẹ bộ đội thường có những nỗi lo giống nhau về chuyện dựng vợ gả chồng cho con mình, kể cả cho bạn của con mình.


Trong những đức tính mà tôi được thừa hưởng của má tôi, có đức tính nhẫn nhịn và chịu đựng. Bây giờ tôi mới ngộ ra, hai đức tính này cần thiết cho con người biết chừng nào. Nhớ một câu viết cuối cùng trong tiểu thuyết kinh điển “Âm thanh và cuồng nộ” của William Faulkner  “Dempsey - Và họ chịu đựng”, ngày xưa đọc tôi chưa hiểu lắm. Bây giờ thì hiểu. Đó là một thông điệp. Má tôi không nói như thế. Không nói gì cả. Nhưng tôi hiểu. “Mẹ ơi xắt bí sau nhà/khi con cúi đầu thì mẹ đã đi xa/một tiếng chim chiều sâu hút/…góc vườn cây khế trổ hoa/người đi đâu mãi biết là đi đâu/con ra ngõ trước con vào vườn sau/ngó cây vú sữa lâu lâu mẹ về” (Trường ca chân đất).


Những đứa con thường chậm. Còn cuộc đời lại nhanh…


Thanh Thảo