10:03, 05/03/2019

Mẹ mong con lớn

Sáng đầu tuần, bệnh viện đông nghịt người. Tiếng ồn ào, mùi kháng sinh xộc lên đầy khó chịu. "Không biết bao nhiêu lần, cô phải vay mượn tiền rồi van xin, lạy lục người ta để họ tha cho nó" - người phụ nữ gần 60 tuổi kể về đứa con trai ngỗ nghịch của mình với cô gái cũng đang ngồi chờ tới lượt khám bệnh.

Sáng đầu tuần, bệnh viện đông nghịt người. Tiếng ồn ào, mùi kháng sinh xộc lên đầy khó chịu. “Không biết bao nhiêu lần, cô phải vay mượn tiền rồi van xin, lạy lục người ta để họ tha cho nó” - người phụ nữ gần 60 tuổi kể về đứa con trai ngỗ nghịch của mình với cô gái cũng đang ngồi chờ tới lượt khám bệnh.


Bà có 6 người con, đủ trai đủ gái. Nó là con út, đang học giữa chừng thì bỏ khi chưa tốt nghiệp cấp hai. Không bằng cấp, lại ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nó nghe lời bạn bè xúi giục, ăn chơi, phá phách xóm làng. Nó đập đồ, đánh nhau nên phải đền tiền, xin lỗi người ta. Không phải một, hai lần mà không biết bao nhiêu lần như thế. Nước mắt bà cạn khô vì con…


- Sao cô không cho anh ấy đi cải tạo? - cô gái hỏi.


- Vì sợ nó bị bắt đi cải tạo nên mới ráng vay mượn tiền trả, van xin người ta. Nếu bị bắt thì còn gì tương lai của nó nữa - bà thở dài, nhìn xa xăm.


“Còn gì tương lai của nó nữa”, đó có lẽ là lo lắng chung của các bậc làm cha làm mẹ khi nghĩ tới đứa con “khó bảo” của mình. Cô gái thầm nghĩ.


- Các anh các chị của nó đều lo làm lo ăn, không biết sao nó lại “trái tính trái nết” như vậy. Tới lúc nó lớn, cô chỉ mong nó có vợ. Ai cũng được, miễn có cô gái nào chịu là cô cưới liền, vì biết đâu khi có vợ nó sẽ lo làm ăn - ánh mắt người mẹ lóe lên tia hy vọng.


Rồi nó cũng dẫn một cô gái người miền Nam về bảo cưới. Nó bảo cưới là cô cưới liền. Mừng vậy nhưng lo lắm. Không biết rồi đây nó có làm khổ con gái người ta như đã làm khổ mẹ hay không? Lỡ khi có vợ rồi mà nó vẫn chứng nào tật nấy thì biết phải làm sao? Bao nhiêu câu hỏi, lo lắng cứ bủa vây người mẹ ấy.


Có vợ, rồi có con, tự nhiên nó thay đổi hẳn. Nó làm ngày làm đêm, người ta làm một thì nó làm gấp hai, ba lần; không ăn chơi lêu lổng nữa. Làm có bao nhiêu tiền nó đều mang về hết cho vợ. Giọng người mẹ vui hẳn lên khi kể về cậu con trai từng là nỗi buồn lớn nhất của mình.


Cũng thật may mắn khi cô có được đứa con dâu ngoan hiền như vậy. Nhiều lúc bị chồng “ăn hiếp” nhưng nó chẳng nói lại gì. Cô bảo con dâu: “Nó nói sai thì con cứ nói lại, chớ sao để nó chửi hoài vậy?”. Con dâu cô bảo: “Cơm sôi, nhỏ lửa. Anh nóng, anh giận, anh chửi, lát anh hết à”. Nhờ vậy mà vợ chồng nó sống hạnh phúc, sắp có đứa thứ hai rồi. Người mẹ cười mãn nguyện…


Có lẽ, người mẹ ấy cũng chẳng hiểu nổi vì sao con trai mình thay đổi từ khi có vợ? Bà cũng không biết con dâu đã nói và làm gì khiến con trai bà ngoan ngoãn nghe lời. Nhưng là một người mẹ, bà biết con mình đã lớn. Lớn trong cả suy nghĩ và cách sống. Với bà, chỉ cần con “lớn”, mọi khó khăn, nỗi buồn đã qua có sá gì...


HÒA TRANG