05:02, 23/02/2019

Chàng xe ôm tốt bụng

Trước ngày vào Nha Trang nhập học, mẹ tôi dặn dò đủ thứ. Nào là phải luôn chú ý giữ đồ đạc, phải cảnh giác, không được tin người lạ, không được nghe lời tán tỉnh của mấy đứa con trai… Tôi dạ liên hồi rồi ngủ lúc nào không hay trong tiếng rù rì của mẹ. Tôi tự tin vì khi đến Nha Trang, Hà, cô bạn cùng làng sẽ ra đón rồi về nhà trọ mà nó đã thuê trước.

Trước ngày vào Nha Trang nhập học, mẹ tôi dặn dò đủ thứ. Nào là phải luôn chú ý giữ đồ đạc, phải cảnh giác, không được tin người lạ, không được nghe lời tán tỉnh của mấy đứa con trai… Tôi dạ liên hồi rồi ngủ lúc nào không hay trong tiếng rù rì của mẹ. Tôi tự tin vì khi đến Nha Trang, Hà, cô bạn cùng làng sẽ ra đón rồi về nhà trọ mà nó đã thuê trước.

 

Đến bến xe, vất vả lắm tôi mới thoát khỏi cánh xích lô, xe ôm… vây quanh chèo kéo. Tôi xách đống hành lý lỉnh kỉnh ra một chỗ vắng để chờ Hà. Nửa tiếng trôi qua mà vẫn chẳng thấy bóng dáng nó đâu cả. Tệ thật! Có bận gì thì cũng báo cho mình một tiếng chứ! Nhưng tôi chợt nhớ ra, nó có muốn báo cũng không biết báo bằng cách nào, vì tôi không có điện thoại di động.  


Chợt, một chàng trai đến gần nhìn tôi cười rạng rỡ: “Xe ôm không em?”. Anh ta có khuôn mặt hiền lành. Đặc biệt, anh mặc bộ quần áo màu xanh của lính nên tôi cảm thấy yên tâm bởi tôi nghĩ, chắc Hà bận việc gì nên nhờ người yêu ra đón, bởi người yêu Hà cũng là bộ đội. Tôi gật đầu, mặt tươi rói: “Có! Có ạ!”. Rồi tôi chất đồ đạc lên xe anh.


Đang đi bỗng thấy anh rẽ sang lối khác. Tôi kêu lên: “Anh đi đâu thế? Hà thuê nhà trọ ở đường X. mà”. Chẳng là lần trước vô thi đại học, tôi đã có dịp đi lại vài lần từ bến xe đến đường X. nên vẫn còn nhớ đường. Tôi bắt đầu thấy run rẩy. Thôi chết, bị lừa rồi! Hắn chẳng phải người yêu của Hà. Anh nhìn vào gương chiếu hậu, thấy khuôn mặt đang tái đi của tôi, cười vang: “Đùa chút thôi. Anh Trung đang chờ em đó”.


Tôi ngơ ngác: “Anh Trung?”. Nụ cười trên môi anh vụt tắt. Anh tấp xe sát vỉa hè, dừng lại: “Em là Mơ phải không? Trung có chút việc bận. Nó nhờ anh đi đón em”. Ôi! Thì ra là vậy. Dù sao tôi cũng có thể thở phào: “Không phải, anh nhầm rồi, em đâu phải là Mơ hay Mộng gì”. Đến lượt anh luống cuống: “Thật à? Thôi chết! Thế là nhầm mất rồi”. Tôi cũng thấy thật khó xử.

 

 

Điện thoại của anh chợt reo. Anh nghe xong rồi quay sang tôi, buồn bực: “Đúng là xui quá. Mà tại cô nữa. Sao dễ tin người lạ thế?”. Tôi im lặng. Biết nói gì bây giờ. Có lẽ anh cảm thấy ân hận vì vô cớ trách tôi nên dịu giọng: “Thôi, không sao, lên xe đi. Nhà trọ ở đâu, tui chở về”. Tôi rụt rè nói địa chỉ của Hà. Anh quay xe, lầm lũi chạy. Cả hai im lặng suốt đoạn đường còn lại.


Đến đầu hẻm, tôi nói anh dừng lại. Vừa nhấc đồ đạc, tôi vừa mở ví lấy ra tờ năm chục ngàn đồng, ngượng nghịu : “Dù sao… Dù sao cũng cảm ơn anh! Thôi, cho em gởi… Gọi là tiền xăng”. Anh nhìn tôi, mỉm cười. Trông anh lại hiền lành như lúc đầu. Anh phất tay: “Khỏi đi, làm xe ôm miễn phí một hôm vậy. Chứ tui biết, ở quê vào làm gì có nhiều tiền. Thôi, tạm biệt nghen”. Anh lên xe, phóng vút đi. Tôi ngẩn người nhìn theo anh.


Nhưng kìa, anh quay lại dừng xe trước mặt tôi, tủm tỉm cười. Tôi trố mắt thay cho câu hỏi. Anh bảo: “Nhỏ vô coi cô bạn tên Hà nào đó có nhà không? Lỡ nó đi đâu vắng thì còn liệu”.


Ừ nhỉ! Đúng như anh dự đoán. Nhà trọ khóa cửa. Thấy vẻ mặt buồn rầu của tôi, anh nói: “Thôi, không sao, nhỏ lên đây anh chở”.


Tôi định từ chối. Mẹ đã dặn. Mà anh cũng vừa mới trách. Không được tin người lạ. Anh cười: “ Không đi xa đâu, anh đưa nhỏ ra quán cơm bụi đằng kia thôi. Chắc đói rồi phải không? Anh cũng đói”.


Ui, anh nhắc tôi mới nhớ. Đúng là bụng tôi đang sôi sùng sục. Tôi lại chất đống đồ lên xe anh.


Trong bữa cơm, cả hai nói chuyện vui vẻ. Anh hỏi tôi vì sao lại dễ tin người lạ như thế? Tôi thành thật kể về anh người yêu của Hà. Anh cười: “Nghe có lý. Anh mặc bộ đồ này là bởi anh cũng từng là bộ đội mà”. Anh lại hỏi tôi vô Nha Trang làm gì, thăm bà con hay du lịch? Tôi nói, tôi vào nhập học Trường Đại học Khánh Hòa. Anh thốt lên, vui vẻ: “Vậy thì chúng mình sắp trở thành bạn cùng trường đó”. Rồi anh khoe, sau khi xuất ngũ, anh đã thi đậu vào Trường Đại học Khánh Hòa. Quê anh ở làng chài Vạn Lương. Anh tính, sau khi tốt nghiệp sẽ về đó, góp phần xây dựng quê hương. Hiện nay, anh đang là sinh viên năm 3. Xe ôm chỉ là nghề tay trái, anh làm vào Chủ nhật hoặc các buổi tối rảnh rỗi để kiếm tiền trang trải cuộc sống chứ ba mẹ anh ở quê nghèo lắm… Tôi vừa nghe vừa gật gù, tỏ vẻ thông cảm.


Hai đĩa cơm bụi mất 30.000 đồng. Tôi rút ví: “Để em trả cho công bằng”. Anh cười thật tươi: “Thôi, coi như anh đãi khách từ xa tới. Nếu có dịp, lần sau em mời anh vậy?”. Tôi cười rất tươi: Chắc chắn rồi, bởi chúng tôi sẽ học cùng trường mà!


. Truyện ngắn của TRẦN THỊ DUY THẢO