Như gỗ lũa ở trên rừng, thời gian cứ trôi qua, bào mòn những gì thuộc về vỏ ngoài, chỉ để còn lại lõi gỗ cứng như sắt. Những phong tục đón Tết cổ truyền bao đời nay được lưu giữ cũng hệt như vậy.
Như gỗ lũa ở trên rừng, thời gian cứ trôi qua, bào mòn những gì thuộc về vỏ ngoài, chỉ để còn lại lõi gỗ cứng như sắt. Những phong tục đón Tết cổ truyền bao đời nay được lưu giữ cũng hệt như vậy. Thế hệ đi trước truyền lại cho những thế hệ sau, như mạch sống tâm linh âm thầm chảy mãi, chỉ những gì tinh túy còn đọng lại. Mỗi gia đình có nếp riêng. Cha mẹ vừa làm, vừa chỉ cho con cái làm theo, để một ngày kia khi con bước vào đời, cái gia đình bé nhỏ đó lại tiếp nối những cách làm mà ngày trước cha mẹ đã chỉ dạy.
Nỗi nhớ mùa xuân bắt đầu từ những ngày đầu tháng Chạp, khi bắt đầu lặt lá cho chậu mai già trước sân đón Tết. Nhớ năm nào khi con đi học mẫu giáo về, thấy ba lặt lá mai mà lăn ra khóc, không cho vì “cô dặn không được phá cây, bẻ lá…”. Nỗi nhớ như vết dầu loang, cứ tẩn mẩn như vậy mà nhớ thêm lên. Vậy mà thấm thoắt thời gian trôi, con đã đi học thật xa, đã sắp thành người lớn.
Con gái đi học đúng ngày 23 Tết mới về nhà. Thấy cả ba lẫn mẹ những ngày cuối năm đi mất dạng cả ngày với những cuộc họp, với những gặp mặt… con cười: “Con đọc báo thấy bao nhiêu bài về phong vị Tết xưa, nào là rim mứt, đổ bánh, gói bánh chưng bánh tét… Bây giờ giao cho con viết về Tết nhà mình, chắc con chỉ viết được một dòng là mấy ngày chuẩn bị Tết, thấy ba mẹ đi cả ngày, dặn con coi thiếu gì chạy ra chợ hay siêu thị(!)”.
Con nói vậy nhưng hôm sau đã thấy cười lỏn lẻn: “Con xin phép mấy ngày này đi theo nhóm thiện nguyện của con, phát cơm, phát mền cho mấy người cơ nhỡ”. Rồi con đi còn... kỹ hơn ba mẹ, sáng sớm đi, nửa khuya mới về. Mấy ngày cuối năm, gió như lạnh hơn, ngày như dài hơn, những người khó khăn như khó khăn hơn. Mẹ xót con, xin được buổi tối đi cùng, con từ chối với lý do để con được trải nghiệm!
Được một tối rảnh rỗi, con thủ thỉ hỏi mẹ, những việc chuẩn bị cho ngày Tết thì có sách nào dạy không, mẹ ngày trước học ở đâu những việc chuẩn bị thế? Mẹ chỉ biết cười, khi còn nhỏ để ý thấy bà ngoại làm sao thì làm vậy. Khi lấy chồng thì bà nội làm sao, mình làm theo, cứ vậy mà thành nếp nhà thôi con.
Rồi mấy ngày cận Tết, con cũng biết tẩn mẩn lau dọn bàn thờ, cửa sổ. Con cũng lên mạng tra mấy công thức nấu ăn, chạy ù ra chợ mua đồ về nấu nướng chờ ba mẹ. Nghe mẹ dặn mua sắm gì, cẩn thận ghi lại thành danh sách dài... Rồi lại thoáng cái, chạy qua nhà nhỏ bạn coi gói bánh chưng, coi làm mứt. Không khí những ngày cuối năm có điều gì đó thật lạ, đủ sức hút con rời khỏi màn hình điện thoại, cuốn con vào những việc không tên chuẩn bị cho năm mới, cho dù thật hiếm hoi của nhà mình, nhà bạn.
Khi được sai bày biện mâm cơm tất niên, con vừa làm vừa hỏi thật chăm chú. Đủ thứ cần phải hỏi, tại sao phải có món này, tại sao món kia phải nằm ở góc mâm, tại sao chén cơm chỉ được đơm chút gọi là… Rồi cuối cùng cũng hoàn thành, thấy cô nhỏ sung sướng lôi điện thoại ra chụp lại, bảo để lần sau con sẽ tự làm, khỏi phải hỏi nhiều…
Rồi một buổi tối, con lôi đứa bạn thân về nhà với lỉnh kỉnh bột đường. Hai đứa hý húi vừa làm vừa... tra mạng. Rồi đến gần nửa đêm, mẻ bánh cũng làm xong, cái méo cái tròn như cùng cười với gương mặt rạng rỡ của hai đứa.
Hình như một mạch ngầm đang bắt đầu tiếp nối…
THỦY NGÂN