Từ ngày trên 80 tuổi, bố không đi ăn cỗ nhà ai nhưng có một bữa tiệc cuối năm bố rất mong chờ đó là gặp cán bộ thành phố. Có năm do giấy mời thất lạc, không biết để dự, bố thẫn thờ như mất một cái gì rất quý. Tôi nói, bố có ăn được đâu, tiếc làm gì, nhưng sau đó lại thấy hối hận về lời nói của mình. Bởi với bố, đó không phải bữa ăn bình thường, người trẻ không thể hiểu được điều thiêng liêng này.
Từ ngày trên 80 tuổi, bố không đi ăn cỗ nhà ai nhưng có một bữa tiệc cuối năm bố rất mong chờ đó là gặp cán bộ thành phố. Có năm do giấy mời thất lạc, không biết để dự, bố thẫn thờ như mất một cái gì rất quý. Tôi nói, bố có ăn được đâu, tiếc làm gì, nhưng sau đó lại thấy hối hận về lời nói của mình. Bởi với bố, đó không phải bữa ăn bình thường, người trẻ không thể hiểu được điều thiêng liêng này.
Mỗi lần đi dự, bố chuẩn bị trang phục từ sáng sớm. Đó là đôi giày dùng mấy chục năm khô cứng bóp chặt lấy đôi chân nhăn nheo, bố đi lỏng chỏng như người bị bó chân. Chiếc áo vest sờn mà tôi mua 20 năm trước với giá rẻ thời mở cửa, khi hàng Trung Quốc ùa vào. Tôi nhớ khi cầm chiếc áo vest, bố bần thần kể lại thời còn làm việc, có lời đồn bố được người ta tặng một bộ vest, cấp trên gọi lên hỏi, bố phải giãi bày... Bố mặc xong từ nửa sáng rồi ngồi ngay ngắn chờ con về chở đi với tâm thế thật đĩnh đạc phấn khởi.
Nơi tổ chức chính là cơ quan xưa bố từng quản lý nhưng đã xây lại khang trang, chỉ có mấy bước thềm mà bố ọc ạch bám vịn mới lên được. Món quà đầu tiên bố nhận là tấm thiệp kèm tiền mừng tuổi khiêm tốn và tờ báo Đảng xuân quê hương rồi vào bàn. Nơi đây ký ức năm xưa ùa về với những gương mặt vừa quen vừa lạ. Tôi không dự nên không biết bố và các bạn nói gì, nhưng tôi có thể hiểu rằng bình thường các cụ người thì nghễnh ngãng, người mắt mờ, người run lẩy bẩy… nói chung là đều tuổi cao sức yếu nhưng ai cũng cố gắng hồ hởi nói nhiều hơn ăn và ly bia chỉ để nâng lên đặt xuống. Tuy nhiên, qua lời bố kể lại, các cụ bao giờ cũng cố gắng ăn miếng bánh chưng kèm vài củ kiệu, bởi thế mới là ăn cỗ Tết!
Mãi tới gần trưa tôi mới đón bố về. Trên đường về, bố kể vắng người này người nọ, những cái tên tôi biết láng máng. Theo như bố thì mỗi năm vơi đi vài người, thế hệ bố giờ chỉ còn 2 mâm! Và có thể sang năm chỉ còn lại mâm rưỡi rồi đến một ngày bố sẽ không còn đến nữa.
Tôi chở bố đi trong gió đông tháng Chạp dìu dịu đầy man mác, bố nhìn xung quanh phố phường đổi thay rồi suy nghĩ ngày xưa nó là cơ quan nào, nhà nào… Tất cả đó là thời gian của 30 năm trước.
Về tới nhà, bố nở nụ cười mãn nguyện như xong một việc lớn. Mùa xuân đang đến…
Lê Đức Dương