11:07, 20/07/2018

Nhà cũ

1. Tôi bán ngôi nhà ở phố, cách biển chỉ khoảng một cây số, đủ để lùi về xa trung tâm 5 cây số và giải pháp tốt nhất cho con cái có một cơ ngơi đàng hoàng ở thành phố. Có lẽ đó là ngôi nhà tôi ở lâu nhất trong cuộc đời. 28 năm, buồn vui lẫn lộn.

1. Tôi bán ngôi nhà ở phố, cách biển chỉ khoảng một cây số, đủ để lùi về xa trung tâm 5 cây số và giải pháp tốt nhất cho con cái có một cơ ngơi đàng hoàng ở thành phố. Có lẽ đó là ngôi nhà tôi ở lâu nhất trong cuộc đời. 28 năm, buồn vui lẫn lộn.

 

Đêm trước ngày dọn nhà, tôi thơ thẩn lên lầu, ra sân thượng, xuống nhà. Săm soi từng ngóc ngách. Tôi đứng trên sân thượng nhìn xuống đường, những suy nghĩ cứ miên man. Cảm ơn ba một đời làm lụng vất vả, cảm ơn má một đời tiết kiệm chắt chiu, cảm ơn mẹ chồng với 3 chỉ vàng hồi tôi mua căn nhà đầu tiên ở đường Hùng Vương 30 năm trước. Một đời công chức, tôi chỉ đủ khả năng khoác cho ngôi nhà tấm áo mới và giờ nó đã xuống cấp nhiều.


Dòng thời gian lùi lại nhưng tôi kịp cắt ngang để sắp đặt công việc cho ngày mai, một ngày bận rộn - bị cuốn vào cơn lốc dọn nhà.  

     
Rồi tôi vào Sài Gòn để tiếp tục một cuộc hành trình dọn nhà từ A đến Z như ở Nha Trang. Mọi thứ kéo tôi đi khiến tôi quên bẵng ngôi nhà cũ mình vừa rời xa. Thêm nữa, tôi khá hài lòng về nơi ở mới của mình, ở thành phố. Sáng sớm tôi có thể đạp xe chỉ khoảng 15 phút là đến một công viên rất đẹp, nơi đây có nhiều hồ sen và đặc biệt rộn rã tiếng chim. Tôi… bận rộn thư giãn, tập thể dục, mang theo máy hình chụp bất cứ thứ gì mình thích.


Tôi còn có thể ngắm sông từ bàn làm việc, bàn ăn hay phòng khách, thỉnh thoảng tôi lấy máy hình, zoom thật xa nơi ngã ba sông, tưởng tượng phía ấy chân trời. Cảm giác này khiến tôi đỡ nhớ biển hay không còn thời gian để nhớ chốn xưa đã hoàn toàn thuộc về quá khứ.

 

 

2. Em gái về Nha Trang, gửi cho tôi mấy tấm hình ngôi nhà được người chủ mới sửa lại kèm theo dòng nhắn: “Họ làm lại, đẹp ghê”.


Tôi bung màn hình nhìn chi tiết những bức ảnh. Ký ức tuôn về ào ạt ngày tôi giám sát việc xây nhà. Tôi biết rõ người ta đã làm mới thế nào. Những ngóc ngách kỷ niệm, tưởng đã tàn tro bỗng khơi lại, bùng lên, cháy bỏng.  Chỗ này, chỗ kia. Khung cửa này thời còn hai cây hoa sữa, mỗi lần bí đề tài tôi hay đứng nhìn ra bên ngoài, dưới phố. Những vệt nắng buổi sáng xiên qua từng khe cửa. Những đêm về sáng thức giấc nghe tiếng ho của một ông cụ trong căn nhà đối diện. Tiếng còi tàu kéo dài. Mường tượng những bóng người trên sân ga. Những đôi mắt ngái ngủ, những cái trở mình trên giường tầng… Có thể Nha Trang là ga cuối, cũng có thể nó sẽ tiếp tục ngàn cây số nữa…


Tôi lan man nhớ nhiều năm trước, hồi má tôi còn khỏe, tầm 5 giờ sáng bà đi bộ qua nhà tôi, đứng dưới đường và gọi tôi đi biển.


Khi ấy tôi còn làm việc cơ quan, bận rộn, lại thêm con cái nên tôi thường dậy sớm, tranh thủ chút thời gian yên tĩnh hiếm hoi trong ngày tập trung chữ nghĩa. Có khi mạch viết đang tuôn trào, nghe tiếng má gọi dưới đường, tôi bực mình lắm. Đôi lúc tôi có chút vùng vằng khi mở cửa đi cùng với má. Có hôm tôi đứng trên ban công nói vọng xuống: “Bữa nay má đi một mình nhen”. Mà lý do chính đáng như hôm đó tôi sẽ đi công tác sớm, cũng có thể là tôi lười để rồi sau đó, tôi không viết lại được vì mất cảm hứng, mà nghĩ đến má phải đi một mình lại thấy hối hận. Những giằng xé tâm lý ấy luôn khiến tôi day dứt.


Thường, ra đến biển, tôi và má ngồi lại trên ghế đá ngắm biển, nhìn những dáng người trôi qua trên dòng chảy chậm của thời gian. Phía trước mặt, một khối cầu lửa ngày nào cũng ngoi lên đúng thời điểm. Khi nó cách mặt nước chừng hơn thước và bắt đầu chói mắt thì tôi và má đứng lên đi về. Tôi bắt đầu một ngày mưu sinh, má bắt đầu một ngày với tờ báo cùng ly cà phê sữa.


Sau này, tôi sắp xếp kế hoạch cố định. Tôi dậy sớm một chút, khi má đến tôi có thể xong việc, thong thả đi cùng với má. Những buổi sáng được sống chậm ấy rồi cũng qua nhanh. Tôi không nhớ từ lúc nào má không còn đi bộ cùng tôi ra biển nữa mà chỉ loanh quanh trong nhà, rồi chậm và ngắn hơn, trong phòng.  


Còn một mình ra biển, tôi mới thấy tiếc quãng thời gian tôi có người đồng hành tin cẩn. Nhớ câu má hay nói: “Đi với con má cảm thấy vững vì nắm tay con, giống như có điểm tựa vậy, đi với mấy bà bạn già chẳng ai nắm tay ai, nhiều lúc liêu xiêu muốn té!”.


3. Má tôi ngã, nằm gần hai tháng mới tự ngồi dậy. Đến khi má cầm được chén cháo, tự ăn là đã thấy thành công quá rồi.


Em tôi mua cho má chiếc xe lăn. Ngày đầu tiên đỡ má qua ngồi xe, tới lui trong phòng bà mừng lắm. Cả đêm má không ngủ được, ngồi nhìn mãi chiếc xe lăn. Làm sao tôi biết má nghĩ gì. Những tháng ngày đã qua hay chỉ nghĩ ngày sắp tới khi má tập mãi mà không tự nhích từ giường qua xe, phải có người đỡ.


Tôi nhìn má. Tôi nhớ ngôi nhà cũ những sáng sớm có tiếng má gọi tôi dưới đường. Có khi tôi nhanh nhẹn, vui vẻ đứng lên, có khi tôi bực bội vì mạch viết dang dở. Những ngày tôi nằm bệnh, có má ghé qua, mang cho tôi bị chè hay cái bánh… Tôi phải cắt ngay dòng hồi tưởng đang chực ùa về, nghẹn ngào, ngộp thở. Lo lắng hay nghĩ về quá khứ đôi khi chỉ là việc lãng phí thời gian.


Một hôm, tôi đạp xe từ công viên về nhà. Mở điện thoại thấy dòng tin nhắn của con trai: “Hồi nãy con đi đường HQV thấy mẹ đạp xe về, gò lưng như cua-rơ thứ thiệt”. Nó kèm theo cái icon cười nháy mắt!


Tôi nghĩ đến ngày nào đó ở thì tương lai, ký ức con tôi lại tấp nập trở về cái ngày nó thấy mẹ cắm cúi đạp xe. Nó nghĩ gì, tôi làm sao biết được!


ĐÀO THỊ THANH TUYỀN