11:07, 17/07/2018

Quà ở phố

Xách mấy cái túi lên xe đưa ba ra ga tàu về quê, con trai hỏi ba xách chi mà nặng dữ, cũng đến mười mấy hai chục ký. Ở đây lên tàu còn có con xách lên tận khoang, chứ rồi khi xuống ga ai xách phụ, không khéo về đến nhà lại thêm đau cái lưng già. Ba cười như trách, tụi trẻ như con thì dễ rồi, đi đâu cũng gọn với chiếc ba lô trên vai. Ba lâu lâu mới về quê, có ít quà cho người quê mừng, xách nặng chút có ngại chi.

Xách mấy cái túi lên xe đưa ba ra ga tàu về quê, con trai hỏi ba xách chi mà nặng dữ, cũng đến mười mấy hai chục ký. Ở đây lên tàu còn có con xách lên tận khoang, chứ rồi khi xuống ga ai xách phụ, không khéo về đến nhà lại thêm đau cái lưng già. Ba cười như trách, tụi trẻ như con thì dễ rồi, đi đâu cũng gọn với chiếc ba lô trên vai. Ba lâu lâu mới về quê, có ít quà cho người quê mừng, xách nặng chút có ngại chi.


Ngồi chờ đoàn tàu vào ga, con trai lần giở những món quà ba mang từ phố về, những thứ được xếp lộn xộn trong túi xách của một người già lâu lâu mới về thăm quê. Chục hũ yến sâm con mua, từng hũ được ba cuốn trong giấy báo cẩn thận, xếp quanh túi đựng quần áo. Chai Glucosamine này một người bạn của ba có con sống ở Mỹ tặng, bữa gọi điện bác bảo ở quê cũng có nhưng không tốt bằng nên ba mang về biếu bác. Bác cũng 75 tuổi rồi. Ba ở phố còn có điều kiện, có các con chăm lo, chứ bác ở quê neo người, lại ốm đau liên miên.


Còn gần chục bộ quần áo cũ, ba bảo mang về cho mấy đứa cháu. Ở quê coi vậy mà nghèo lắm, nghèo nên mới tằn tiện, chắt chiu. Tụi bây cháu con quần áo đề huề, mặc có hết đâu, có khi mua về chẳng thấy mặc bao giờ. Vậy mà mỗi lần mang về mấy đứa thích lắm, cứ thử hết cái áo này quần nọ rồi ngắm nghía trước gương. Cái nào có hơi rộng hay chật thì mang ra nhà đầu xóm nhờ nới ra hay bóp vào. Ở quê người ta may không đẹp bằng ở phố. Cũ người mới ta mà.


Cầm đến cuốn sách dày cộp, ba nói như phân trần, sách này thực ra là ba đọc rồi. Biết là nặng nhưng ba thích nên mượn ở thư viện lần nữa. Về nhà rỗi rãi, trưa hè gió sông thổi vào lán mát rượi, nằm ở lán đọc sách cũng thích lắm. Đọc hết rồi lại mang vào trả ấy mà.


Túi dừa xiêm giống có lẽ nặng nhất, cả chục ký không ít bởi có cả nhúm đất nuôi mỗi cây ba mang từ phố về. Ba bảo ba nhờ người ta mua từ Ninh Đa mang vào, cũng cả tuần rồi. Mua về để ở chỗ mát, thỉnh thoảng tưới chút nước chờ ngày theo ba lên tàu. 150 ngàn 5 cây, ba mang về trồng làm kỷ niệm. Bởi cây dừa ở bến sông quê nhà mình gió bão năm ngoái làm bật gốc rồi. Mảnh vườn bên cạnh bỏ hoang bao năm phí quá. Trồng cho có bóng mát, và để đỡ trống khi người về đấy rồi lại đi thôi, chỉ còn người ở lại với căn nhà hiu quạnh với vườn tược lưa thưa. Ba về lần này cũng là để bàn việc xây nhà thờ họ trên mảnh đất này, mai này có mấy cây dừa xung quanh trông cũng trang hoàng hơn.


Trong giỏ còn có hộp bánh yến nhỏ cúng ông bà, mấy gói kẹo gừng ngậm đỡ ho, mấy chai mắm ngon quấn kỹ trong giấy báo để nhà dùng.


Mấy món quà ấy có lẽ cũng là lý do ba không chịu đi máy bay cho nhanh, mà chọn cách đi tàu. Những giỏ xách nặng trĩu như tấm tình cũng nặng của một người già là ba, sinh ra từ gốc rạ đồng quê thì cả đời ngấm cái chất quê trong mình dù có sống ở phố bao lâu đi chăng nữa, chứ không hời hợt như tụi trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố. Đi tàu có khi ba còn gặp được ông bạn già cũng khăn gói về quê như hồi năm trước, hàn huyên, san sẻ nhau mấy quả trứng, trái bắp luộc đem từ nhà. Dặn ba khi xuống ga nhớ thuê xe đẩy cho đỡ cực. Ba ừ đấy mà chẳng biết có làm theo hay lại tiếc mấy chục ngàn đồng, vốn chẳng bõ bèn gì ở phố nhưng có thể mang lại một bữa cơm nhớ hoài với nồi canh cua đồng ngọt lịm với rau vườn nhà cùng nồi cá kho nhừ dậy mùi lá gừng trên cái bếp củi ở mé gần bờ sông...


B.T