Gần 5 giờ sáng, nhiều người còn chìm trong giấc ngủ thì chị đã có mặt ở khu đổ rác của một khách sạn lớn trên đường biển. Tôi biết chị vì sáng nào, vào thời gian này chúng tôi cũng đi tắm biển, ở cạnh nơi ấy. Một lần, hai lần chào hỏi rồi thành quen nhau.
Gần 5 giờ sáng, nhiều người còn chìm trong giấc ngủ thì chị đã có mặt ở khu đổ rác của một khách sạn lớn trên đường biển. Tôi biết chị vì sáng nào, vào thời gian này chúng tôi cũng đi tắm biển, ở cạnh nơi ấy. Một lần, hai lần chào hỏi rồi thành quen nhau.
Một ngày sau khi cơn bão số 12 quần thảo ở Nha Trang, gặp chị bên bãi rác, tôi hỏi: “Nhà mình có sao không?”. Chị trả lời với giọng nghẹn ngào: “Trời, bão lớn thiệt. Nhà em tạm bợ lắm. Thằng nhỏ thấy gió mạnh quá, chuẩn bị hất mái tôn lên, sợ bay mất, nó liền đu người lên cây xà gồ để giữ. Thấy nguy hiểm, em bảo: “Con ơi xuống đi, mẹ sợ quá!”. Trong tiếng gió mưa, thằng bé la lớn: “Tôn bay thì lấy tiền đâu mà mua?”. Rồi chị nói tiếp: “Cha nó bỏ mẹ con em để đi với người khác. Không biết lúc bão to gió lớn như thế, ổng có nghĩ đến con?”. Nói rồi, chị gạt nước mắt. Thương cho chị, tôi nói: “Vậy là tôn bay hết à?”. Chị bảo: “May mà con em khỏe nên giữ lại được, mái nhà không việc gì…”.
Người đàn bà lượm ve chai ấy làm việc cần mẫn lắm. Hơn 1 giờ đồng hồ, chị lượm được vài ba bao tải, bao nào bao nấy to, cồng kềnh. Công việc khá nặng nhọc, vậy mà một tay chị làm hết, từ chọn chai lọ, giấy, lon…; phân loại, đóng gói, đến khuân vác bao phế liệu lên xe ba gác, rồi chở về nơi thu mua. Mỗi ngày, đi từ khách sạn này đến khách sạn khác, từ sáng sớm đến chiều tối cũng kiếm được gần hai trăm ngàn đồng.
Một hôm trời mưa to, chúng tôi ra biển thấy chị một mình cặm cụi lục tìm phế liệu bên đống rác. Thương chị, tôi dúi vào tay chị tờ một trăm ngàn đồng để mua tấm áo mưa cho lành lặn. Chị nhìn tôi, cảm ơn rồi từ chối, nhất định không chịu nhận. Chị bảo, “thỉnh thoảng em nhờ ông xã của chị khiêng giùm mấy cái bao lên xe ba gác này là tốt lắm rồi. Em nhận tiền của người khác, biết bao nhiêu cho đủ”. Khi hỏi về đứa con trai cùng mẹ chống chọi với bão trong căn nhà lụp xụp, chị cho tôi biết, cháu đang học trung học cơ sở. Chị từng nói với con: “Mẹ sẵn sàng làm ngày làm đêm để nuôi con. Gia tài của mẹ chẳng có gì ngoài con. Trời cho mẹ sức khỏe là mẹ làm việc để con được đến trường”. Hiểu tấm lòng của mẹ, thằng bé cố gắng vươn lên học thật giỏi. Thành tích học tập của con là nguồn động viên lớn đối với chị. Vào cuối tuần, hoặc lúc rảnh, thằng bé lại phụ mẹ nhặt ve chai. Chị từng tâm sự với tôi: “Có một lần vào tối muộn của ngày 8-3, đứa con trai chở bao tải phế liệu về rồi rút ra một bông hoa hồng còn tươi nguyên gói trong giấy kính. Nó bước tới em, cúi đầu nói: “Tặng mẹ ngày 8-3!”. Em ngước nhìn con rồi tự nhiên hai hàng nước mắt chảy ròng ròng”.
Sáng nay, chúng tôi ra biển thì thấy chỗ chị nhặt rác có mấy nhân viên của khách sạn đang vây quanh. Tưởng có việc gì, tôi tò mò bước tới. Thật ngạc nhiên khi biết trong lúc lục tìm rác, chị nhặt được chiếc điện thoại đắt tiền và đã giao lại cho mấy anh bảo vệ của khách sạn. Chiếc điện thoại này do đứa con còn nhỏ của một người khách lưu trú đã bỏ vào thùng rác mà mẹ nó không hề biết. Giá của chiếc điện thoại bằng giá trị của bao nhiêu ngày chị làm việc vất vả. Nếu chị không trả lại, mang đi bán, cũng chẳng ai biết. Vậy mà…
Thêm một lần nữa tôi cảm thấy quý trọng chị, người phụ nữ tưởng chừng bé nhỏ trong xã hội nhưng lại có việc làm tốt đẹp mà chẳng phải ai cũng làm được. Xung quanh chị, cuộc sống vẫn ồn ào, tấp nập. Người ta mơ ước có nhà lầu, xe hơi. Còn chị, như chị nói với tôi: “Em chỉ mong khách sạn có khách hoài hoài để ngày nào cũng có nhiều ve chai cho em nhặt”.
Hoài Thu