10:04, 12/04/2016

Chòng chành con sóng

Nhà tôi ở phía lở con sông Dinh, trên miếng đất vườn của ngoại. Thuở ấy, mỗi năm, sông có ba mùa: xâm xấp, trơ đáy và ngập lụt. Mỗi chiều đi học về, bọn tôi thường ra ngồi trên bến hay trải chiếu dưới gốc me già để đón gió thổi hắt từ phía bên kia sông, làm dịu đi cơn nóng cháy.

1. Nhà tôi ở phía lở con sông Dinh, trên miếng đất vườn của ngoại. Thuở ấy, mỗi năm, sông có ba mùa: xâm xấp, trơ đáy và ngập lụt. Mỗi chiều đi học về, bọn tôi thường ra ngồi trên bến hay trải chiếu dưới gốc me già để đón gió thổi hắt từ phía bên kia sông, làm dịu đi cơn nóng cháy. Mùa lũ tràn bờ, dòng nước đục ngầu phù sa từ thượng nguồn đổ về, hung hăng cuốn phăng nhà cửa, cây cối, đất đai, khoét sâu thêm vào mảnh vườn của ngoại. Nói ra thì sợ lụt, vậy mà năm nào lũ không về, ai cũng lo, cũng nhớ. Thèm được xắn quần đi giẫm nước bạc, nằm trong nhà nghe mưa hú ngoài kia, nhìn phù sa bồi lấp bãi bờ, để vụ mùa thêm tươi tốt.


Sông Dinh, với người dân Ninh Hòa, không chỉ đơn thuần là con nước, dòng sông, mà như một người bạn, người tình. Sông chảy qua cuộc đời ông xơ, bà cố, qua thời con gái tóc thề của ngoại, má, dì, tới những ngày thơ trẻ hồn nhiên của anh chị và lũ nhóc chúng tôi. Để rồi lớn lên, xa nhà, đi muôn nẻo, sông như sợi dây vô hình chảy qua đời mỗi đứa. Giữa Sài Gòn, Hà Nội hay London, Paris, New York, mỗi lần nghe nhắc hai chữ sông Dinh, mắt đứa nào cũng sáng rực lên, dang tay nhận đồng hương, mừng mừng tủi tủi.


2. Ba tôi không phải là người sống bằng nghiệp lưới chài. Với ông, việc chài lưới chỉ là thú vui điền viên tao nhã. Dòng sông, con nước, tấm lưới, chiếc ghe là nguồn vui ngày tuổi xế. Vào những năm khó khăn nhất của gia đình, ba không coi đó là niềm vui riêng mình nữa, ít nhiều cũng góp vài con tôm, con cá phụ má nuôi bầy con nhóc nheo. Hầu hết kiến thức về những món ăn sông nước của tôi và anh chị đều bắt nguồn từ ba. Cá nào ngon, ốc nào dở, đồ mộc gồm loại gì để tăng thêm độ ngon của nồi canh, chả cá, lúc bệnh đau món nào nên kiêng cữ… ba đều rành. Ba bơi như rái cá, vậy mà tụi con chẳng đứa nào biết bơi. Dở tệ.  


Đồ nghề đi câu của ba gồm cái ghe trét dầu hắc neo quanh năm dưới bến mà chẳng sợ ai lấy mất. Mấy tấm lưới bằng cước to nhỏ khác nhau. Lỗ to bắt cá trê, cá chép, nhỏ thì dành cho cá trèn, cá trắng. Ba còn chặt tre, vót mỏng thành chục cần câu cắm, câu cá trầu và chình. Đi câu đêm nên phải nhờ ánh sáng của đèn ắc quy đội đầu. Mỗi tuần, tôi lãnh nhiệm vụ đi sạc bình.


Khuya, ba xách đồ nghề ra bến, để mọi thứ lên ghe, lấy mái chèo, chòng chành rẽ nước một mình lênh đênh, ngược xuôi giữa dòng Dinh sâu thẳm. Đêm khuya thanh vắng, mặc tiếng ếch nhái, ễnh ương uỗm à uỗm ệch, cộng với tiếng tắc kè, kỳ nhông, cành tre cạ vào nhau cót két…, ba vẫn vững tay chèo, thuộc hết mọi ngóc ngách và tập tính của các loài cá, tôm trên dòng sông ấy.


3. Tờ mờ sáng, ba về, quần ống cao ống thấp, áo ướt sương đêm, thảy cái vợt xuống ang nước sau nhà. Lũ con túa ra nhìn, mắt đứa nào cũng long lanh, mừng rỡ.


Kìa con cua giương hai mắt đen, to tròn, liếc nhìn mọng nước. Đem cua đi luộc, chín vàng. Lột mai, gạch béo ngậy, thịt ngọt. Con rạm nhỏ hơn và đen trùi trũi. Bữa nào rạm nhiều, lột mai, bứt càng và chân, bẻ thân làm đôi để ram tiêu. Bắc chảo mỡ, bỏ rạm vô, quậy chén mắm, đường, bột ngọt, tiêu, hành đổ vào, trộn đều, sắc nước thì nhắc xuống ăn với cơm nóng. Vừa ăn vừa hít hà bởi tiêu cay và sướng ngất ngư khi nhai miếng rạm giòn rụm.


Với cá trê thì cầm nắm tro vuốt từ đầu tới đuôi để hết nhớt, làm sạch ruột, cắt cá làm bốn đem kho tiêu. Trước khi kho phải ướp gia vị, thật nhiều tiêu và một nắm tóp mỡ cho béo. Muốn kho cá ngon phải để lửa nhỏ cho thấm gia vị, thịt săn lại rồi mới đổ thêm nước lạnh. Cá trê khi chín vẫn giữ được lớp da bên ngoài ngọt và béo. Chẳng gì đã hơn ăn nồi cá trê kho tiêu với cơm nóng vào một ngày mưa lâm râm se lạnh. Trời nóng, kho tiêu hơi cực, đem cá trê nấu canh bầu mát tận ruột gan. Tô canh nóng bốc khói nhưng có cảm giác mát lạnh bởi nồi nước trong veo, bầu mềm mịn, cá không rã nên thịt vẫn còn rất dai.


Ba ba là loài thủy tộc quý và hiếm nhất sông Dinh. Vài tháng, một năm nó mới chịu dính câu cắm một lần cho ba nở mày nở mặt. Xào ba ba với cà dĩa, khổ qua, cải chua và nêm hành ngò thì là số một. Thịt nó vừa dai, vừa giòn lại ngọt lịm. Ai đau yếu, sụt cân, ăn một lần là khỏe lại, dường như chưa hề bệnh tật.


Cá trèn gần giống cá trê, cũng có râu, nhưng không ngạnh, mình lại dẹp, hơi ít thịt. Cá trèn không có nhiều ở sông Dinh, thỉnh thoảng mới chui vô lưới, đem kho với lá gừng non thì khỏi phải chê. Lá gừng là loại gia vị kho cá có một không hai bởi mùi thơm khó lẫn. Cá trèn kho ra nước dẻo nhờ da, thoang thoảng mùi lá gừng, thịt săn cứng. Ăn một lần lại phải chờ rất lâu cá mới dính lưới thêm lần nữa.


Nhiều lúc trong vợt có con cá bống nhỏ xinh, còn sống, ngoe nguẩy đuôi nhìn tội nghiệp. Một con thôi, ăn sao nỡ, dù thiệt tình rất thèm cá bống kho tiêu. Thế là mấy anh em lén ba đem cá bỏ xuống giếng trước nhà. Giếng được đào từ thời Pháp thuộc để lấy nước phục vụ sinh hoạt cho công nhân xây dựng đường sắt Bắc Nam. Xong việc, họ dọn đi, giếng nằm trong đất nhà tôi nhưng người ta quen gọi là giếng làng cổ kính. Ngày nào họ cũng tới xách vài thùng về uống. Nước mát lạnh, trong ngần, trời nắng nóng cỡ nào vẫn ngọt. Bỏ cá bống xuống giếng rồi bắt chước nàng Tấm cúi xuống gọi: “bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”. Chỉ có điều chẳng đứa nào dám thả cơm xuống vì sợ đục nước, người lớn biết được sẽ đánh no đòn. Mà đâu cần thức ăn, chỉ cần rong rêu bên dưới cũng đủ nuôi lớn nó.


4. Những năm sau này người ta xây đập chị Trừ giữa dòng sông Dinh để giữ nước tưới tiêu cho ruộng đồng mùa hạn. Bị ngăn dòng, sông như chết hẳn, nước lờ nhờ, hôi hám, dù đầy ăm ắp. Người dân sống ven bờ vẫn giữ thói quen cũ, xả chất thải ra làm ô nhiễm môi trường. Cá tôm chết sạch, những món ngon năm xưa trở nên khan hiếm. Nhiều người cố nhân giống, thả trong ao hồ nhưng chất lượng giảm sút đi nhiều vì toàn nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Giờ Ninh Hòa lên thị xã. Chính quyền xây bờ kè dọc sông để chống xói mòn. Đất ven bờ hết chịu cảnh bên bồi bên lở. Có điều hàng tre, bụi đước, cây sung, cây mắm ven sông năm nào giờ đã trở thành một phần hồi ức xa xăm.


Ba sang Mỹ được ít năm rồi về, sức khỏe không còn như cũ để một mình lênh đênh trên sóng nước. Ông bỏ nghề, treo ghe, gác mái chèo lên chái bếp. Những khi rảnh rỗi, ba hay lôi tấm lưới, cần câu ra vuốt ve từng cái lưỡi, cọng chì, sai tụi nhỏ đi vá lại chỗ bị mối mọt gặm rách. Nhiều khi nhớ sông, nhớ cá, ba kêu anh tôi vác ghe ra bến, leo lên ngồi, chòng chành một đỗi rồi lặng lẽ đi vô.


Mới hay, một phần hơi thở của ba tôi đã gắn liền với dòng sông Dinh ắp đầy kỷ niệm.


. Tùy bút của Nguyễn Hữu Tài